Nghề bắt heo
Nghề nuôi heo trong tỉnh ngày càng phát triển, thương lái mở rộng thị trường, từ đó hình thành đội quân bắt heo thuê. Chịu khổ, chịu dơ là đặc điểm của cánh thợ bắt heo. Nhưng cũng từ đây, họ có thu nhập trang trải cuộc sống, nuôi dưỡng ước mơ đổi đời cho con cái.
Vác rọ theo… heo
Năm nay 36 tuổi, nhưng anh Nguyễn Văn Súng (ở thôn Thượng Giang 2, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) đã có 16 năm trong nghề bắt heo chuyên nghiệp. Nhà làm nông, quẩn quanh với đồng ruộng cây lúa, đồng vô không bù nổi đồng ra, nên cứ chật vật quanh năm. Cũng may, Súng có người chị nhanh tay nhanh miệng đổi nghề đi buôn heo. Cậu em trai đương lúc sức vóc hơn người, tập tành bắt heo cho chị. Súng kể về quãng thời gian vào nghề của mình, nghe cứ nhẹ hều.
Lúc Súng mới vác rọ rong ruổi khắp làng trên xóm dưới, bắt heo thuê chưa là một nghề thực thụ ở Tây Giang như bây giờ. Thế nên, trong 5 thành viên của nhóm thợ Tây Giang, trẻ nhất nhưng tuổi nghề của Súng chẳng kém ai. Nhiều người trong số họ gắn với chiếc rọ heo đơn giản vì chẳng có nghề nghiệp gì cháu. Như anh Huỳnh Văn Chút, ở thôn Thượng Giang 1, đến khi lập gia đình mà chẳng có nghề ngỗng gì. Suốt ngày, anh quanh quẩn ở chợ Đồng Phó, ai kêu gì làm đó, khuân vác đủ thứ mà khó vẫn hoàn khổ.
“Một lần bắt heo thiếu người, thằng Súng gọi phụ một tay. Vài lần như thế, nó rủ, hay anh đi bắt heo với thằng em. Thế là vác rọ đi luôn”, anh Chút nhớ lại. Hiện tại, ở Tây Sơn, nhiều xã đã có nhóm thợ bắt heo chuyên nghiệp, riêng thị trấn Phú Phong có vài nhóm, vì ở đây tập trung nhiều thương lái nhất. Vào mùa cao điểm (như trước Tết), xe chở heo khắp nơi rầm rập đổ về, anh em vẫn í ới “chi viện” cho nhau. Thợ được trả 20.000 đồng cho mỗi con heo bắt được; lúc cao điểm, mỗi thợ có thể bắt đến 40 con/ngày, có được thu nhập “không đến nỗi nào” - nói như anh Chút.
Trong khi đó, ở vựa heo Hoài Ân, thợ bắt heo chuyên nghiệp cũng rất hùng hậu. Ở đây hiện có trên dưới 30 thương lái, “tổng quản” hàng trăm thợ bắt heo thuê. Anh Nguyễn Hữu Hiểu, một thương lái có 20 năm trong nghề ở xã Ân Đức, cho biết: “Ngày nay, thương lái có nhiều mối bỏ heo ở khắp trong Nam ngoài Bắc, bà con nuôi heo ngày càng nhiều, việc chuyên chở từ chuồng đến nơi tập kết để xuất hàng hầu hết bằng xe tải. Trong suốt quá trình bắt, khiêng, chất lên xe, không có thợ bắt heo thì không thể làm được. Thương lái như tôi thuộc dạng “tầm tầm bậc trung” đã có 7-8 lính làm thường xuyên, khi hàng nhiều thì phải kêu thêm 3-5 người nữa”.
Anh Bùi Hữu Phước (ở thôn An Thường 1, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân) từng là dân bán vé số, quanh năm suốt tháng vợ chồng anh ruổi rong khắp các đường phố Sài Gòn bán vé số mưu sinh. Anh bảo, sau khi đi mòn hơn hai chục đôi dép lào, mới sực nghĩ về mấy đứa nhỏ leo nheo ở nhà, nên quyết về quê kiếm kế sinh nhai.
Nghĩ là làm, hai vợ chồng quyết định rút chân ra khỏi “nẻo đường vé số”. Về quê, vợ bán mấy món đồ ăn sáng “đệ nhất bình dân”, anh thì nhập đội bắt heo thuê cho một bà chủ cách nhà chừng 5 cây số. Mỗi buổi sáng, anh lăng xăng phụ chị nhóm bếp, nhưng không rời điện thoại, luôn sẵn sàng lên đường khi “có lệnh”. Những đồng nghiệp nhàn hạ hơn thì có thể la cà ở quán cà phê rồi đi thẳng đến các chuồng heo “làm việc”. Mỗi ngày, thợ được bao cơm trưa và 200 ngàn đồng; nếu tính tháng, không kể cơm nước còn được trả 3-4 triệu đồng.
“Tác nghiệp” trong chuồng
Người không hiểu, cứ nghĩ bắt heo là việc đơn giản. Thực tế thì ngược lại. Nghề này đòi hỏi kinh nghiệm, sức khỏe và đặc biệt phải chấp nhận dơ bẩn. Tận mắt chứng kiến những người thợ ra tay, mới phục cái tài và sự chịu bẩn của họ.
“Không phải tay nghề ai cũng như ai. Trong nhóm 8 người của tôi chỉ có 3 người là bắt “ngon lành”. Còn các anh em khác chủ yếu khiêng rọ, lồng chất lên xe”, vừa nói anh Phước vừa nhấc chiếc lồng sắt đặt vào chuồng. Anh lựa thế lừa một con heo chui đầu vào. Tiếp đến, dùng đầu gối ấn nhẹ vào phía sau mông, con heo ngoan ngoãn chui tọt vào rọ. Một anh cao to trong nhóm dùng gậy xuyên ngang chiếc lồng, người trong người ngoài khiêng con heo ra khỏi chuồng. Tính cả lồng sắt nặng cả tạ mà hai người bước đi gọn trơn ra đến nơi đặt chiếc cân và xe đỗ. Sau khi cân xong, hai người thợ lại nâng rọ lên xe tải.
Với những động tác thuần thục, chốc lát số heo trong chuồng đã được các thợ nhanh chóng chuyển lên xe. Chúng tôi lại theo chân các anh đến một chuồng khác. Lần này, đàn heo không “ngoan” như trước, vừa chạy vừa hộc tán loạn, khiến anh Phước toát cả mồ hôi mới có thể lùa được chúng vào lồng. Cả thân người lấm lúa phân heo và cám heo.
Đi bắt heo, ngán nhất là heo nhát. Anh Súng cho biết, nhiều đàn heo thấy người bước vào chuồng đã chạy loạn xạ, bắt cả chuồng còn đỡ, chứ phải chọn một vài con thì ngán vô cùng. “Thợ bắt heo phải mang loại dép nhựa chuyên dụng để chống trượt, dễ xoay xở giữa nền xi măng ẩm ướt. Phải có “thế” khi đặt rọ và dồn heo, cái này thì không ai chỉ dạy cho ai được, mỗi thợ phải tự mình “rèn”, tùy theo đặc điểm bản thân như tay thuận, dáng vóc, tình hình sức khỏe… Người không khỏe mạnh thì phải thật khéo léo, tránh đối đầu với con heo”, anh Súng phân tích.
Dù đã là thợ lành nghề, nhưng nhiều người vẫn không tránh khỏi tai nạn nghề nghiệp. Anh Chút xòe tay cho tôi xem những vết cứa còn rướm máu, gây ra bởi chiếc rọ mới tinh với những thanh tre còn sắc nhọn. “Đó là chưa kể những con heo dữ tợn, cứ táp lấy táp để, có người sơ ý còn mất nguyên lóng tay”, anh Chút cười.
Đã là thợ bắt heo, ai cũng đầy thương tích. Nguyễn Thanh Ngân, 20 tuổi, ở xã Ân Thạnh, vào nghề hơn một năm trước. Một lần, theo đàn anh vào chuồng bắt con heo nái, sau một hồi quần thảo cũng dí được đầu heo vào rọ. Ngân dùng đầu gối ấn nhẹ phía đùi con heo. Nó dở quẻ, tung cú đạp hậu vào chân làm toét một đường dài, phải may mấy mũi. Đận ấy, anh thợ trẻ phải nằm nhà gần nửa tháng.
Thay lời kết
Trước khi thành tay buôn chuyến, anh Hiểu cũng từng là thợ bắt heo. Anh chua chát: “Làm nghề này khổ như… chó. Chủ khổ, thợ khổ hơn. Nhiều lúc 2-3 giờ chiều chưa được ăn cơm, vì phải bắt cho đủ chuyến, kịp thời gian chạy hàng. Và khổ nhất là heo đứng giá, dịch bệnh. Thợ đói nhăn răng, nhiều lúc chủ phải lấy tiền túi cho anh em mượn mua gạo”.
Vào nghề, đồng nghĩa với việc mỗi người thợ bắt heo phải chấp nhận môi trường làm việc dơ bẩn. Anh Chút bảo, mọi người hay gọi anh là “Chút heo”, anh cũng không lấy làm buồn. Chỉ tội cho hai đứa con, lâu lâu lại bị bạn bè trêu chọc. “Biết con mặc cảm vì nghề của mình, nên lâu lâu tôi lại nhỏ to tâm sự. Rằng ba chẳng trộm cắp, lừa lọc ai, có dơ có thúi cũng chỉ vì mấy đồng bạc nuôi các con ăn học thôi mà”, giọng anh cứ ngừng ngực. Nhìn vóc dáng nhỏ thó, ít ai tin rằng người cha này có thể cùng một đồng nghiệp nhất bổng con heo nặng cả tạ rưỡi. Anh bảo, biết là phá sức, nhưng đâu còn sự lựa chọn nào khác.
Cái nghề kiếm cơm từ mùi hôi thối này không còn lạ đối với người dân đất Trung du. Nhưng không phải ai cũng thấy “bình thường” với thợ bắt heo. Chuyện của Ngân là một minh chứng. Học hết 12, thi đại học không đỗ, Ngân ở nhà đi bắt heo thuê. Mỗi tháng Ngân có thể có hơn 3 triệu đồng, số tiền đáng kể ở quê. Có lần, anh chàng được “lệnh” qua bắt heo một nhà nọ. Khi bắt heo xong, mình mẩy đang bốc mùi nồng nặc thì thấy cô bạn gái đi chợ về. Anh chàng đỏ mặt, ngượng vô cùng khi biết đó là nhà bạn gái. Không hiểu sau lần “chạm trán” ấy có chuyện gì nữa không, nhưng hai đứa đường ai nấy đi.
VĂN TRANG - TỐNG BÌNH
Bài viết phản ánh chân thực cuộc sống mưu sinh, cảm ơn tác giả VĂN TRANG-TỐNG BÌNH rất nhiều!