Du lịch Bình Ðịnh: Mở hướng, vươn tầm
NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN
Ngay tại diễn đàn Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lấy Bình Định làm một ví dụ trong việc linh hoạt chọn hướng phát triển kinh tế biển gắn với du lịch: “Chúng ta đang đứng ở hội trường Trung tâm Hội nghị FLC Nhơn Lý (nơi diễn ra sự kiện Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung - NV). Khu này trước đây là vùng hoang hóa, cây cối thưa thớt, nhưng chỉ sau 3 - 4 năm đầu tư đã trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng, khách sạn hạng sang. Phải chăng, đây chính là sự gợi mở cho sự phát triển kinh tế miền Trung?”.
Quần thể du lịch nghỉ dưỡng cao cấp FLC Nhơn Lý mở đầu cho tổ hợp du lịch trên bán đảo Phương Mai.
Quả thật, du lịch Bình Định đã có những sự thay đổi, bứt phá vươn lên và trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Ngành du lịch được UBND tỉnh ưu tiên phát triển theo hướng kinh tế mũi nhọn, từng bước phát huy tối đa lợi thế. Tỉnh đã thu hút, mời gọi những nhà đầu tư lớn vào các dự án du lịch trọng điểm, hình thành những tổ hợp khu du lịch với đầy đủ hạ tầng, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách. Nhiều dự án du lịch lớn đã và đang hình thành dọc Khu kinh tế Nhơn Hội tạo thành tổ hợp du lịch trên bán đảo Phương Mai như Quần thể nghỉ dưỡng, du lịch cao cấp FLC Nhơn Lý; Khu du lịch biển Maia Quy Nhon Resort... Điều này càng thể hiện rõ hơn khi 4/15 dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung năm 2019 là dự án du lịch.
“Du lịch thực sự đã lan tỏa đến với cộng đồng, làm thay đổi diện mạo địa phương. Cứ nhìn vào hai thôn Trung Hội, Trung Lương (xã Cát Tiến, Phù Cát) là thấy ngay du lịch về cộng đồng rồi. So với 5 - 7 năm trước, ở Trung Lương, Trung Hội, người dân bắt đầu phát triển du lịch bằng việc mở dịch vụ giữ xe, cho thuê phao, tắm nước ngọt...”.
Ông NGUYỄN VĂN THỊNH, người dân ở thôn Trung Lương
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng khẳng định, địa phương chọn phát triển du lịch biển gắn với giá trị lịch sử - văn hóa, với điểm nhấn quan trọng “Biển & Không gian xanh” của không gian mở vịnh Quy Nhơn. Đây là tài sản chung của cư dân thành phố. Bình Định không phát triển kinh tế theo xu hướng đánh đổi mọi thứ, mà quan tâm đến ý nguyện của người dân. Sự quan tâm đó thể hiện bằng việc, UBND tỉnh chủ động bỏ kinh phí để giải phóng mặt bằng, trả lại không gian cho vịnh Quy Nhơn.
MỞ RỘNG LIÊN KẾT VÙNG
Thương hiệu “Du lịch Quy Nhơn - Bình Định” đã được khẳng định trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực. Năm 2018, lượng khách du lịch đến Bình Định đạt 4 triệu lượt, tăng 10,6% so với năm 2017; còn 7 tháng đầu năm nay con số này ước trên 3,2 triệu lượt khách, tăng trên 22,8% so cùng kỳ.
“Với sự thu hút, mời gọi đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại Bình Ðịnh mở ra cơ hội phát triển du lịch ở phân khúc khách hạng sang, khách đoàn đi nghỉ dưỡng. Một tổ hợp du lịch - dịch vụ - giải trí sẽ thu hút được nhiều khách du lịch, đặc biệt là nhóm khách kết hợp du lịch teambuilding”.
Ông TRẦN PHAN HIỂN, Trưởng nhóm Teambuilding của Công ty CP Sự kiện OceanGold
“Những sản phẩm du lịch độc đáo của Bình Định được kiến tạo nên từ tài nguyên biển, giá trị lịch sử - văn hóa của Bình Định, đặc biệt là trầm tích văn hóa vương quốc Champa, triều đại nhà Tây Sơn. Song, hạ tầng du lịch của Bình Định chưa đủ đáp ứng để hình thành nên một hệ sinh thái du lịch, khó thu hút khách ở lại”, ông Nguyễn Hoàng Vũ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định nhìn nhận.
Dù vậy chỉ mỗi biển không thôi thì dù đẹp đến mấy cũng không thể tạo dựng nên ngành kinh tế du lịch. Sự nghèo nàn của sản phẩm du lịch Bình Định cũng là khiếm khuyết chung của cả miền Trung. Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Quang Tùng cho rằng: “Cùng khai thác lợi thế du lịch về biển và các giá trị lịch sử - văn hóa nên các sản phẩm du lịch của vùng trùng lắp. Du lịch miền Trung muốn phát triển nhất thiết phải gắn với việc khai thác giá trị văn hóa đặc trưng của từng địa phương; đặt du lịch toàn vùng trong mối liên kết vùng”.
Biểu diễn võ thuật tại Di tích Tháp Đôi (Quy Nhơn).
Gợi mở của Thứ trưởng Lê Quang Tùng là định hướng để Bình Định tìm hướng phát triển du lịch trước vận hội mới. Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhìn nhận, du lịch miền Trung đang trở thành điểm sáng của cả nước và đã đại diện cho sự hiện đại và năng động. Bởi thế, du lịch Bình Định phải đặt trong mối liên kết vùng để phát triển là yếu tố then chốt. Dẫu vậy, cần phải làm rõ mối liên kết để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của khu vực; lựa chọn phát triển ngành, lĩnh vực cụ thể để tránh trùng lắp; ưu tiên cho du lịch cộng đồng để phát triển bền vững, người dân cùng tham gia, cùng hưởng lợi.
Xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên giá trị văn hóa phi vật thể nhân loại “Bài chòi Trung bộ Việt Nam”. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Theo PGS.TS Phạm Trung Lương, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Việt Nam, tính liên kết vùng trong phát triển du lịch giải quyết hiệu quả vấn đề sử dụng tài nguyên, nguồn lực nhằm phát huy lợi thế tổng thể của các địa phương trong vùng miền Trung. Về hình thức hợp tác cần phát huy các liên kết theo từng cụm một cách hiệu quả như Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh... Bình Định phải đặt mình trong mối liên kết vùng với các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên để hình thành không gian du lịch trên diện rộng, cùng phát triển.
NHÓM PV KT-VH-XH