Ðể miền Trung phát triển bền vững: Giải bài toán nhân lực
“Ngoài cơ chế, chính sách thông thoáng, các tỉnh, thành miền Trung cũng phải tăng cường huy động các DN lớn, đầu đàn làm nòng cốt phát triển kinh tế. Khi DN phát triển, kinh tế tốt lên thì chính DN lại dành nguồn lực để quay lại đầu tư cho giáo dục, đào tạo nhân lực, nâng cao tiềm năng nghiên cứu khoa học như cách Bình Ðịnh và một số tỉnh hiện đang làm. Từ đó, mới thu hút được những người giỏi về làm việc”.
Phó Thủ tướng Chính phủ VŨ ÐỨC ÐAM
Khẳng định miền Trung phải phát triển, trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Con người mang tính quyết định”.
Cơ cấu kinh tế các địa phương vùng miền Trung đang có sự phân hóa rõ rệt. Các tỉnh vùng Bắc Trung bộ dịch chuyển theo hướng: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, trong đó công nghiệp giữ vai trò chủ đạo. Còn vùng Duyên hải miền Trung đi theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, trong đó chủ đạo là dịch vụ. Với tiềm năng về kinh tế biển, đồng nghĩa cơ cấu lực lượng lao động cũng phải có sự dịch chuyển để đáp ứng nhu cầu phát triển.
KHẮC PHỤC “ĐIỂM NGHẼN”
Tuy nhiên, nhân lực cũng chính là một trong những “điểm nghẽn” cản trở phát triển vùng kinh tế miền Trung. “Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, lao động qua đào tạo có cấp chứng chỉ mới đạt 22 - 23%, thuộc vùng có tỷ lệ thấp của cả nước. Chính vì thế, khu vực miền Trung phải chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển hiện nay”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chỉ ra.
Các ý kiến trao đổi tại Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung đều khẳng định, chất lượng nguồn nhân lực 14 tỉnh miền Trung thấp và thường đi sau nhu cầu của thị trường; đa phần người giỏi hay người giàu là người miền Trung thường rời quê lập nghiệp ở nơi khác; nguy cơ thiếu hụt lao động (ngay cả lao động giản đơn) trong những năm tới là rất lớn. Các bộ, ngành Trung ương cần hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong vùng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành kinh tế biển.
Dẫn chứng thực tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, trên thế giới đã có nhiều quốc gia như Nhật Bản, Israel phát triển thành công trong điều kiện tài nguyên nghèo nàn, thiên nhiên không thuận lợi nhờ phát huy tối đa nguồn lực con người, áp dụng KH&CN hiện đại vào sản xuất. Miền Trung có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đây là thách thức rất lớn nhưng cũng là cơ hội.
Hãng hàng không Bamboo Airways đón hành khách thứ 1 triệu tại sân bay Phù Cát.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, hiện khu vực miền Trung có 42 trường đại học, chiếm số lượng nhiều các trường đại học so với dân số của vùng, nhưng chất lượng đào tạo vẫn còn hạn chế, đặc biệt trong các ngành kinh tế động lực như du lịch hay KH&CN. Các trường đại học của vùng cũng chưa xác định rõ về nhu cầu nguồn nhân lực cho các dự án qua các thời kỳ, hay nhu cầu nguồn nhân lực trong dài hạn 5 - 10 năm. Đây là bài toán đặt ra khi giữa một bên là rất cần đến nguồn nhân lực cao để phục vụ cho ngành kinh tế động lực và một bên là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ xây dựng đề án sắp xếp lại các trường đại học, trong đó có các trường đại học khu vực miền Trung, theo hướng củng cố và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lực tốt; thí điểm đào tạo nhân lực riêng cho 2 ngành: công nghệ thông tin và du lịch theo hướng gắn với thực tiễn và có các DN tham gia cùng nhà trường trong quá trình đào tạo. Đây có thể nói là một bước đổi mới rất quan trọng.
“Cùng với đó, chúng tôi cũng khuyến khích một số tập đoàn kinh tế lớn và các học viện mở các lớp đào tạo và sử dụng nhân lực. Đặc biệt khuyến khích các tập đoàn lớn tham gia đầu tư trong lĩnh vực đào tạo như Tập đoàn FLC đã thành lập Viện Đào tạo hàng không Bamboo Airways ở TP Quy Nhơn, hay sắp tới là Trường Đại học FLC, để phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, ưu tiên nguồn nhân lực ở những vùng trọng điểm của miền Trung đáp ứng yêu cầu phát triển của các tỉnh”, ông Nhạ chia sẻ.
BƯỚC “CHẠY ĐÀ” CỦA BÌNH ĐỊNH
Bình Định cũng nằm trong xu thế chung phát triển thế mạnh kinh tế biển, dẫn đến nhu cầu lao động đối với các ngành kỹ thuật nông, công nghiệp, chế biến, điện tử, tin học ngày càng lớn và giảm nhu cầu lao động trong các ngành nông, lâm, ngư nghiệp nhất là lao động không có trình độ chuyên môn.
Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (TP Quy Nhơn).
Đến nay, nhiều DN như: Avani Quy Nhơn, Tập đoàn Hoàng Yến, Bà Nà Hill (Đà Nẵng), Tập đoàn Vinpearl (Nha Trang), FPT Software, TMA Solutions, Công ty Vintech (Vin Group)... đã chủ động ký kết hợp đồng làm việc với các trường ĐH Quy Nhơn, CĐ Bình Định liên kết tổ chức đào tạo, tuyển dụng sinh viên.
Đặc biệt, năm 2019, Viện Đào tạo hàng không Bamboo Airways chính thức khởi công để 2 năm tới đưa vào hoạt động đào tạo quy mô gần 3.500 học viên/năm cho các ngành, như: phi công, tiếp viên hàng không, kỹ thuật, khai thác mặt đất, điều hành khai thác bay và các chức năng đào tạo cơ bản được xây dựng tại Bình Định, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.
“Với sự kết hợp hoạt động của Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn và trụ sở chính Bamboo Airways tại Cảng hàng không Phù Cát - Bình Định, Viện Đào tạo hàng không Bamboo Airways sẽ củng cố chuỗi giá trị gia tăng của các sản phẩm thương hiệu FLC và Bamboo Airways cả về chất và lượng. Điều này góp phần đắc lực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh Bình Định nói chung, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại Bình Định”, ông Đặng Tất Thắng - Phó Chủ tịch Thường trực Bamboo Airways, chia sẻ.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho biết, cùng với thu hút đầu tư, Bình Định luôn quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực. Tỉnh cam kết cùng đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất, môi trường tốt để các nhà đầu tư triển khai dự án đầu tư đào tạo nhân lực chất lượng cao.
NHÓM PV KT-VH-XH