Chớp thời cơ khi sức dân như nước vỡ bờ
Cách mạng Tháng Tám ở Bình Định diễn ra với khí thế sôi nổi, mạnh mẽ. Chỉ hơn một tuần lễ (23 - 31.8.1945), nhân dân Bình Định đã vùng lên giành chính quyền thắng lợi. Thắng lợi ấy có được từ khả năng “chớp lấy thời cơ lịch sử”, với phương châm “lấy sức ta mà giải phóng cho ta”.
Nằm ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ, Bình Định có vị trí chiến lược quan trọng. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung kỳ và Tỉnh ủy lâm thời Bình Định, nhân dân Bình Định đã vượt qua bao khó khăn, thử thách; tích cực, chủ động chuẩn bị về mọi mặt, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng Tám năm 1945, góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám trên cả nước.
Lễ trao ấn kiếm của chính quyền phong kiến cho Ủy ban kháng chiến Việt Minh Nguyễn Huệ tại Quy Nhơn tháng 8.1945 (Tranh trưng bày tại Bảo tàng tỉnh).
SỤC SÔI NHỮNG NGÀY THÁNG TÁM
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), phong trào cách mạng ở Bình Định có điều kiện phát triển. Trước khí thế cách mạng ngày càng sôi sục, phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động trong tỉnh không ngừng lớn mạnh. Song, phạm vi hoạt động của các chi bộ Đảng không đáp ứng kịp thời với bước phát triển mới của cách mạng. Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến, cuối tháng 7.1945, Ban cán sự Đảng tỉnh Bình Định được thành lập.
Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định 1930 - 1945, Ban cán sự Đảng đề ra một số nhiệm vụ cần giải quyết trước mắt là: “Thống nhất các lực lượng Việt Minh trong tỉnh, tăng cường cán bộ cho các nơi phong trào còn yếu, đồng thời xúc tiến các mặt chuẩn bị để ra tờ báo của phong trào Việt Minh Bình Định”.
Tổ chức Việt Minh và Ban cán sự Đảng của tỉnh được thành lập đã kịp thời lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng. Ở các phủ, huyện và TX Quy Nhơn, tổ chức Việt Minh cũng lần lượt ra đời và đi vào hoạt động, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Lúc này, tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến mau lẹ. Phát - xít Nhật đầu hàng Đồng minh, quân đội Nhật ở Đông Dương hoang mang, chính phủ Trần Trọng Kim và các đảng phái thân Nhật ở trong nước hoảng loạn. Trước tình thế đó, Việt Minh Nguyễn Huệ và Việt Minh Tăng Bạt Hổ đều tổ chức họp và quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa. Phong trào cách mạng của quần chúng đòi hỏi phải hành động khi thời cơ đến.
Chiều 21.8.1945, hàng nghìn quần chúng tham gia cuộc mít tinh do Ủy ban khởi nghĩa của Việt Minh Nguyễn Huệ tổ chức tại sân ga Quy Nhơn. Kết thúc sự kiện này, quần chúng hô vang các khẩu hiệu: “Ủng hộ Mặt trận Việt Minh!”, “Đả đảo chính phủ Trần Trọng Kim!”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập!”. Quân Nhật và cảnh sát ngụy đóng gần đấy không dám phản ứng gì.
Ngay hôm đó, Ủy ban khởi nghĩa của Việt Minh Nguyễn Huệ họp, quyết định phát động quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ tại TX Quy Nhơn vào ngày 23.8. Đúng ngày đã định, hàng vạn người tham gia mít tinh ở sân ga Quy Nhơn, bày tỏ quyết tâm xóa bỏ chính quyền địch, lập chính quyền cách mạng. Cuộc mít tinh chuyển thành biểu tình thị uy, với gần 200 tự vệ vũ trang của công nhân và thanh niên đi đầu. Đoàn biểu tình lần lượt chiếm Đốc bộ đường (dinh Tỉnh trưởng), tòa Đốc lý (Tòa sứ cũ) và các công sở của chính quyền bù nhìn. Các đồn cảnh sát, trại bảo an binh cũng lần lượt giao nộp vũ khí, kho tàng cho quân khởi nghĩa.
Đến ngày 31.8.1945, nhân dân đã giành được chính quyền trên toàn tỉnh. Sáng 3.9, một cuộc mít tinh được tổ chức tại sân vận động Quy Nhơn với hơn 30.000 người tham dự. Tại đây, UBND cách mạng lâm thời mới của tỉnh Bình Định (lúc này lấy tên là tỉnh Tăng Bạt Hổ), do đồng chí Trần Quang Khanh làm Chủ tịch ra mắt trước nhân dân.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Bình Định thắng lợi, từ tỉnh lỵ đến các làng xã, góp phần vào thắng lợi chung của Cách mạng Tháng Tám trong cả nước. Lịch sử Đảng bộ TP Quy Nhơn (1930 - 1975) ghi nhận: “Ngày 23.8.1945 được xem là bước mở đầu, là điểm then chốt của quá trình khởi nghĩa giành chính quyền toàn tỉnh và là ngày hội của quần chúng nhân dân Quy Nhơn cũng như đồng bào toàn tỉnh”.
THẮNG LỢI CỦA THẾ TRẬN LÒNG DÂN
Cuối năm 1938, Tỉnh ủy lâm thời Bình Định được củng cố. Theo TS Trần Quốc Tuấn - giảng viên khoa Sư phạm, nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH Quy Nhơn, đây là cột mốc rất quan trọng với Cách mạng Tháng Tám ở Bình Định. Cộng với việc các chi bộ Đảng lần lượt được thành lập, phong trào đấu tranh chống Pháp -
Nhật ở Bình Định có bước phát triển mới. “Lực lượng cách mạng ngày càng phát triển đông đảo, quần chúng nhân dân được tập dượt qua nhiều hình thức đấu tranh. Khi thời cơ đến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, họ sẵn sàng vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền”, TS Tuấn nói.
Hoài Nhơn là nơi có phong trào Việt Minh mạnh của tỉnh. Từ 21.8.1945, cả huyện sục sôi khí thế cách mạng. Ngày 24.8, Ủy ban khởi nghĩa Hoài Nhơn huy động quần chúng 3 tổng phía Bắc biểu tình thị uy suốt mấy ngày liền. Ngày 26.8, tại Bồng Sơn, hàng nghìn quần chúng có tự vệ dẫn đầu đã biểu tình thị uy, đi từ An Sơn xuống Tài Lương, Trường An và chặn tịch thu súng của lính bảo an đồn Tam Quan đang rút chạy. Đến ngày 29.8, tại sân vận động Bồng Sơn, hơn 5.000 quần chúng lại tham gia cuộc mít tinh thành lập UBND cách mạng lâm thời phủ Hoài Nhơn. Cùng ngày, quần chúng đã chiếm các công sở của ngụy quyền, tước vũ khí của lính bảo an đồn Bồng Sơn. Có thể nói, sức dân như vũ bão trong những ngày tháng Tám lịch sử năm ấy.
Nhiều năm liền gắn bó với công việc biên soạn lịch sử địa phương, nhà nghiên cứu Trần Duy Đức (phường Bình Định, TX An Nhơn) may mắn được tiếp cận nhiều tư liệu và nhân chứng lịch sử liên quan đến thời kỳ khởi nghĩa giành chính quyền mùa Thu 1945. Trong đó có hồi ký của đồng chí Nguyễn Thành Mẫn - 1 trong 7 đảng viên đầu tiên của Chi bộ Hồng Lĩnh, nguyên Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời phủ Nguyễn Trọng Trì (tên của An Nhơn lúc mới giành chính quyền) về khí thế cách mạng ở An Nhơn.
Sáng 25.8.1945, 4 đoàn biểu tình với rừng cờ, rừng người, gậy gộc, giáo mác... rầm rập kéo thẳng đến phủ đường, bao vây cửa Đông, cửa Tây, cửa Tiền thành Bình Định. Biển người tràn vào trong thành. Ủy ban khởi nghĩa phủ An Nhơn tiếp nhận ấn kiếm từ chính quyền phong kiến cuối cùng của phủ An Nhơn. Chỉ trong 5 ngày sau đó, toàn bộ chính quyền các tổng, làng trong phủ đều về tay nhân dân. Chính quyền cách mạng ra mắt đồng bào, bắt tay xây dựng cuộc sống mới dưới chế độ dân chủ nhân dân.
Bên cạnh lòng dân đang lên, dấu ấn đáng chú ý trong thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Bình Định chính là sự chớp thời cơ cách mạng. Theo ThS Lê Văn Minh - Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh, Cách mạng Tháng Tám ở Bình Định thể hiện rõ nét tính chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo chớp thời cơ giành chính quyền của những người lãnh đạo. “Trong Cách mạng Tháng Tám, ngoài tình thế và thời cơ chiến lược, còn có tình thế và thời cơ trực tiếp ở địa phương. Khởi nghĩa giành chính quyền ở mỗi nơi sớm hay muộn, nhanh hay chậm tùy thuộc vào khả năng nhận thức về tình thế và thời cơ trực tiếp, cụ thể đó”, ThS Minh lý giải.
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định (1930 - 1945) viết: “Việc phát động quần chúng khởi nghĩa chiếm thị xã tỉnh lỵ ngày 23.8.1945 là một quyết định đúng và táo bạo, dựa trên sự phân tích một cách khoa học mối quan hệ biện chứng giữa thời cơ chiến lược với tình thế cách mạng trực tiếp ở địa phương. Đó còn là sự kết hợp giữa ý chí và hành động quyết liệt của quần chúng với quyết tâm và sự chỉ đạo sắc sảo của lãnh đạo” .
HOÀI NHÂN