Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ sửa đổi 8 nhóm chính sách về đất đai
Sau 5 năm triển khai thi hành Luật Đất đai 2013, công tác quản lý, quy hoạch, sử dụng đất vẫn còn nhiều bất cập do Luật này và các Luật khác có liên quan còn mâu thuẫn, chồng chéo, dẫn tới không rõ trách nhiệm quản lý, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện; nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển.
Vì thế, Quốc hội, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai. Trong đó, dự kiến xem xét sửa đổi, bổ sung 8 nhóm chính sách lớn liên quan đến việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất; quản lý, sử dụng đất của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng…
Khu tái định cư 160 hécta Khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Nhiều “khoảng tối” xuất phát từ chính sách
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ khi có hiệu lực vào ngày 1.7.2014, Luật Đất đai 2013 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo thành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá hoàn chỉnh, thể hiện những quan điểm đổi mới của Đảng phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Luật và các văn bản dưới Luật cũng đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội. Đặc biệt, những khó khăn trong quá trình chuyển tiếp thi hành giữa Luật Đất đai 2003 và Luật Đất đai 2013 đã được tháo gỡ, không để ách tắc gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.
Tuy vậy, qua triển khai thực hiện, Luật Đất đai năm 2013 vẫn còn để lại những khoảng trống bất cập do Luật này và các Luật khác có liên quan còn mâu thuẫn, chồng chéo, không đồng bộ và thống nhất, dẫn tới không rõ trách nhiệm quản lý, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện; một số nội dung quy định của Luật Đất đai biểu hiện chưa phù hợp với thực tiễn triển khai; có một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan đến sử dụng đất còn thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế-xã hội và tốc độ đô thị hóa.
Trong khi, nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự khai thác và phát huy đầy đủ để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Việc tiếp cận đất đai vẫn còn khó khăn đã tạo ra những rào cản cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Ngoài ra, quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, cho phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nói riêng; hạn mức nhận chuyển quyền và hạn mức thời gian sử dụng đất vẫn là rào cản chính trong xác lập một tư liệu sản xuất có khả năng tiếp nhận đầu tư lớn, dài hạn, có chiều sâu của nông dân vào phát triển kinh tế nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai còn diễn ra khá phổ biến. Tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn diễn ra. Nhiều địa phương, đơn vị do lãnh đạo thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý đã để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý chuyển mục đích sử dụng, không đăng ký biến động với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, không thực hiện nghiêm các nghĩa vụ tài chính…
Thậm chí, nhiều nơi, dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa vào sử dụng, chậm đưa vào sử dụng, để lãng phí, hiệu quả sử dụng thấp.
Đáng nói là, tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai rất phức tạp, chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 70%). Thậm chí có những vụ tranh chấp đất đai phức tạp và kéo dài đã gây ra thảm án kinh hoàng. Điển hình như vụ án anh trai thảm sát cả nhà em ruột khiến 5 người thương vong xuất phát từ tranh chấp đất đai vừa xảy ra tại huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội...
Tháo gỡ rào cản, phát huy nguồn lực
Để nâng cao chất lượng công tác quản lý, giải quyết những khó khăn còn tồn tại, cũng như khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, theo chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội và của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao phối hợp với một số Bộ, ngành liên quan xây dựng Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai và trình vào năm 2020.
Trên cơ sở thực hiện chủ trương và kế hoạch sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng có liên quan như: Tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật đất đai; Kết luận 36-KL/TW ngày 6.9.2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.
Qua đó tạo nền tảng để đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng và chỉ đạo rà soát các vướng mắc, khoảng trống khi thi hành Luật Đất đai, đồng thời, rà soát các quy định chưa phù hợp với thực tiễn để tập trung tháo gỡ.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tổ chức khảo sát, đánh giá tình hình thi hành Luật Đất đai, chuẩn bị các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật; tổ chức các hội nghị xin ý kiến của Ban Soạn thảo và lấy ý kiến góp ý của Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia trong và nước ngoài, các nhà quản lý về nội dung dự thảo Luật.
Theo Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, quan điểm sửa đổi Luật sẽ tập trung vào 3 mục tiêu lớn xuyên suốt là quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng, phát huy được nguồn đất đai cho phát triển kinh tế; tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản về chính sách đất đai, hoàn thiện các quy định về quyền của người sử dụng đất để thúc đẩy phát triển; và giải quyết, giảm khiếu kiện trọng lĩnh vực đất đai.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung 8 nhóm chính sách lớn gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kinh tế, tài chính đất đai và phát huy nguồn lực đất đai; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về thu hồi đất; về chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp để thúc đẩy tập trung đất đai; về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Cùng với đó là việc quản lý, sử dụng đất của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và các Luật liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Lâm nghiệp.
Theo Hùng Võ (Vietnam+)