Miền Trung hướng ra biển
“Về mặt địa kinh tế, Việt Nam là mặt tiền hướng ra đại dương; vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là “mặt tiền của mặt tiền” - lợi thế này không nơi nào trong cả nước có được. Việc chương trình hóa các mục tiêu phát triển dựa vào các lợi thế theo tinh thần “chiến lược kinh tế biển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” chính là cách biến tiềm năng thành hiện thực. Chìa khóa là tạo lập hệ sinh thái khả dĩ thu hút làn sóng đầu tư tư nhân đang còn quá khiêm tốn”.
Thủ tướng Chính phủ NGUYỄN XUÂN PHÚC
Tại Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung được tổ chức tại Quy Nhơn ngày 20. 8.2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh: Miền Trung muốn mạnh phải hướng ra biển lớn, tận dụng triệt để lợi thế “mặt tiền biển”, “cửa ra quốc tế” để phát triển.
Với 1.900 km bờ biển trải dài 14 tỉnh, thành phố, miền Trung trở thành “mặt tiền biển” của Việt Nam, chiếm gần 60% tổng chiều dài bờ biển của cả nước. Đây là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22.10.2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
PHÁT HUY LỢI THẾ
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tóm tắt: Các lĩnh vực, ngành kinh tế biển và ven biển của 14 tỉnh, thành khu vực miền Trung đang tập trung phát triển là du lịch và dịch vụ biển; phát triển các cảng biển nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp; khai thác, chế biến dầu khí; nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo.
Du lịch đang trở thành động lực tăng trưởng ngành công nghiệp quan trọng của miền Trung. Dù chưa được như kỳ vọng, dù mới chỉ là khai thác “những viên ngọc thô chưa được mài giũa”, nhưng rõ ràng tốc độ phát triển và tiềm năng du lịch miền Trung là rất lớn và đầy triển vọng. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Quang Tùng cũng cho rằng, các địa phương ở miền Trung cần đầu tư cụ thể, định hình các không gian du lịch, tạo điểm nhấn, không nên đầu tư dàn trải, thiếu chiều sâu. Việc kêu gọi các nhà đầu tư lớn, hình thành nên các khu du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp là rất cần thiết. Minh chứng cho sự tham gia và phát huy hiệu quả các nhà đầu tư lớn vào du lịch phải kể đến sự hình thành của hai “trung tâm du lịch mới” trong bản đồ du lịch miền Trung là Sầm Sơn (Thanh Hóa) và Quy Nhơn (Bình Định).
“Nếu công nghiệp không phát triển thì không thể khai thác lợi thế cảng biển, logistics được xem là thế mạnh của miền Trung. Xây dựng chính sách đồng bộ để đón nhận dòng đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các ngành công nghiệp chế tạo và chế biến ở các khu công nghiệp và các ngành kinh tế ven biển chính là sự tận dụng cơ hội của Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các Hiệp định Thương mại (FTA)… mà Việt Nam đã ký kết”.
Chuyên gia kinh tế - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng TS TRẦN DU LỊCH
Ở góc nhìn của chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng, mặc dù gần đây miền Trung nổi lên như điểm sáng trong thu hút đầu tư vào ngành du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng, tạo ra nhiều điểm đến về du lịch có thương hiệu trong và ngoài nước. “Tuy nhiên, với lợi thế của các khu kinh tế ven biển, cảng biển và nhất là nguồn lao động dồi dào, nguồn nguyên liệu từ nông - lâm - ngư nghiệp tại chỗ… vùng Duyên hải miền Trung phải tạo ra bước đột phá về thu hút đầu tư cho các ngành công nghiệp chế biến, tạo sức lan tỏa nhằm chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động”, ông Lịch nói.
Trong khi đó, phát triển kinh tế thủy sản là điểm mạnh của kinh tế biển ngành Nông nghiệp. Riêng miền Trung đã có đến 62.000 phương tiện tàu thuyền đánh bắt, khai thác thủy sản (trong đó, đội tàu đánh bắt xa bờ 17.700 chiếc) chiếm gần 70% đội tàu cá của cả nước. Phân tích ra để thấy rằng trách nhiệm đóng góp của khu vực là rất lớn.
“Cá ngừ đại dương Bình Định” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu.
TRANH THỦ CƠ HỘI, TẠO ĐỘT PHÁ
“Phát triển nghề biển không theo hướng tăng sản lượng khai thác thủy sản mà phải tăng giá trị chuỗi chế biến; cơ cấu lại nghề biển, nhà máy chế biến thủy sản, các khu chế biến thủy sản, đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ lưu thông hàng hóa thủy sản, không để ô nhiễm môi trường, khai thác đúng tiềm năng ngành thủy sản”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường góp ý.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, miền Trung cần xác định mục tiêu đến năm 2030 thì phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, bảo vệ môi trường, phát triển đa dạng sinh học biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cảng Quy Nhơn - một trong những cảng nước sâu ở khu vực miền Trung.
Mặt khác, cần vận dụng có hiệu quả chính sách trong chiến lược phát triển kinh tế biển để khai thác 5 trụ cột kinh tế như 5 lợi thế để phát triển. Trong ngư nghiệp, phải tập trung nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản - một thế mạnh không phải nơi nào cũng có; phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển, đảo và khai thác thế mạnh của du lịch vùng phía Tây các tỉnh (du lịch sinh thái rừng); cảng biển và các dịch vụ logistics; phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến gắn liền với lợi thế cảng biển; năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và nghiên cứu các dạng năng lượng khác.
“Hơn ai hết, từng tỉnh, thành cần tự lực, tự cường, khát khao phát triển. 15 năm tới là cơ hội, nếu bỏ qua, miền Trung sẽ là địa bàn rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” sớm nhất”, người đứng đầu Chính phủ chốt vấn đề.
NHÓM PV KT-VH-XH