Liên kết vùng tạo thế và lực
Có thể nói, liên kết vùng là bài toán đang rất cần lời giải của miền Trung, nhất là liên kết về hạ tầng, đào tạo nhân lực, phân công lao động, phân công sản xuất... để tối ưu hóa nguồn lực đầu tư, sử dụng hiệu quả tài nguyên, phát huy lợi thế của cả vùng và từng địa phương.
PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ TRƯƠNG HÒA BÌNH:
Tạo động lực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ
Hiện tại, mỗi tỉnh miền Trung đều có ít nhất một khu kinh tế, dẫn đến cạnh tranh, nảy sinh tư duy “cát cứ” và ảnh hưởng đến tốc độ và chất lượng các dự án đầu tư, có thể dẫn đến hệ luỵ như ô nhiễm môi trường, khai thác quỹ đất kém hiệu quả, bất an về xã hội… Do đó, cần có quy hoạch để phát huy thế mạnh của từng tỉnh, nhưng có sự liên kết vùng hiệu quả, tránh cạnh tranh không lành mạnh hạn chế sức mạnh của nhau, phát huy sức mạnh tổng lực của cả khu vực.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch quốc gia, của vùng và vùng kinh tế ven biển làm trung tâm xây dựng các đô thị ven biển hiện đại. Quy hoạch xây dựng phải đi trước, xác định biển là trung tâm để tính toán cho quy hoạch xây dựng đô thị ven biển, hoàn thiện các hệ thống giao thông kết nối Bắc - Nam, hệ thống đường ngang kết nối Đông - Tây, liên thông các cảng biển và các tỉnh ven biển với vùng Tây Nguyên, tăng cường liên kết miền Trung và Tây Nguyên, hợp tác cùng phát triển, đầu tư hạ tầng.
BỘ TRƯỞNG BỘ GTVT NGUYỄN VĂN THỂ:
Liên kết phát triển hạ tầng giao thông
Nhằm đáp ứng cho yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã có kế hoạch từ nay đến năm 2025 đầu tư khoảng 45.000 tỷ đồng để nâng cấp các cảng hàng không khu vực Duyên hải miền Trung.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể
Còn hệ thống đường bộ, hiện đã đầu tư xây dựng được 654 km đường cao tốc qua các tỉnh miền Trung; còn 700 km nữa Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội tiếp tục triển khai để kết nối thông suốt toàn hệ thống. Bộ cũng sẽ phối hợp các địa phương nâng cấp hoàn thiện các tuyến đường kết nối từ các cửa khẩu phía Tây giáp Lào, Campuchia với các cảng biển, hình thành các trục ngang, trục dọc giao thông trên cả khu vực để đáp ứng nhu cầu phát triển của các địa phương.
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG TRẦN TUẤN ANH:
Không nên “mạnh ai nấy làm”
“Hình hài” về một liên kết vùng trong phát triển công nghiệp, tạo tiền đề cho phát triển KT-XH ở cả vùng miền Trung còn chưa rõ nét, chưa có sự quyết liệt, nhất là bối cảnh nước ta đang hội nhập thế giới một cách chủ động và sâu rộng bằng hàng loạt các hiệp định thương mại tự do. Một số DN, nhất là DN tư nhân thì năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, trình độ công nghệ và khả năng liên kết trên các chuỗi giá trị chưa thật mạnh mẽ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Muốn tạo ra những hiệu ứng lan tỏa trong phát triển công nghiệp phải cần sự liên kết đồng tâm hiệp lực giữa các địa phương chứ không nên “mạnh ai nấy làm”. Hiện, một số tỉnh, thành phố đã hình thành các khu kinh tế, khu công nghiệp thu hút nhiều dự án có quy mô lớn, tuy nhiên chưa tạo được sự lan tỏa và hiệu ứng liên kết, tạo động lực cho phát triển.
CHỦ TỊCH UBND TỈNH HỒ QUỐC DŨNG:
Phát triển đa trung tâm, phát huy thế mạnh từng địa phương
Có thể nói, Bình Định cũng như các tỉnh khu vực miền Trung tuy còn những khó khăn thách thức, nhưng dư địa cho phát triển, nhất là du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng, khai thác thủy hải sản còn rất lớn. Nếu xác định được hướng đi đúng đắn, phát huy được lợi thế riêng có, liên kết, hợp tác chặt chẽ và đặc biệt được Trung ương hỗ trợ kịp thời, đúng mức về cơ chế, chính sách và nguồn lực thì sẽ sớm có những bước phát triển đột phá, đóng góp quan trọng, thiết thực vào sự phát triển chung của cả nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển khu vực miền Trung trong thời gian tới, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của khu vực, Chính phủ sớm chỉ đạo triển khai lập quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch. Cần xác định phát triển miền Trung theo hướng đa trung tâm, gắn vị trí của từng địa phương trong mối liên kết ở khu vực với Tây Nguyên và các nước trong Tiểu vùng sông Mê - Kông để định hướng quy hoạch tỉnh đảm bảo đồng bộ, gắn kết vùng và cả nước.
ÔNG PHAN VIỆT CƯỜNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY QUẢNG NAM, CHỦ TỊCH HỘI ÐỒNG VÙNG MIỀN TRUNG:
Liên kết vùng thực chất, hiệu quả
Để các chủ trương, chính sách liên kết vùng đi vào thực tiễn, đề nghị Chính phủ hoàn thiện thể chế và tăng cường thực hiện thể chế.
Ông Phan Việt Cường
Có chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hướng tới việc đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, xã hội đảm bảo nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững. Sớm triển khai xây dựng quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung theo Luật Quy hoạch. Xem xét điều chỉnh mục tiêu, quy mô của các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trong quá trình lập quy hoạch vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.
ÔNG PHẠM ANH TUẤN, PHÓ TỔNG GIÁM ÐỐC TỔNG CÔNG TY HÀNG HẢI VIỆT NAM, KIÊM CHỦ TỊCH HÐQT CÔNG TY CP CẢNG QUY NHƠN:
Cảng Quy Nhơn sẽ là “mắt xích”
Để xây dựng Cảng Quy Nhơn tiếp tục là thương cảng hiện đại, cửa ngõ ra biển của khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia, Cảng sẽ tập trung triển khai dự án mở rộng và phát triển cảng theo quy hoạch phát triển mở rộng cảng đến năm 2020 định hướng đến năm 2030; đầu tư cảng cạn ICD ở huyện Tuy Phước với diện tích 30 ha; đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin điều hành sản xuất và trao đổi dữ liệu logistics...
Ông Phạm Anh Tuấn
Tổ chức bố trí, khai thác cầu bến hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại trong điều hành sản xuất để giảm sức lao động, tăng năng suất bốc xếp. Định hướng cơ cấu lại mặt hàng phù hợp, tập trung khai thác hàng rời và phát triển hàng container, dịch vụ logistics. Không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ cho khách hàng.
NHÓM PV KT-VH-XH