Trước thềm năm học mới 2019 - 2020: Nhiệm vụ mới, hy vọng mới
Không chỉ quan tâm nâng cao chất lượng dạy và học, năm học 2019 - 2020, ngành giáo dục còn tập trung giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, tạo điều kiện để học sinh phát triển toàn diện, đúng theo định hướng “tất cả vì học sinh thân yêu”.
Tạo đà cho chương trình giáo dục phổ thông mới
Năm học 2019 - 2020 là năm học rất quan trọng, được coi là năm bản lề để ngành giáo dục - mà tiên phong là cấp tiểu học - chuẩn bị mọi điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, cấp tiểu học tiếp tục giữ vững và mở rộng quy mô dạy học 2 buổi/ngày và tổ chức bán trú; phấn đấu trong năm học này có 95% các trường tiểu học trong tỉnh tổ chức dạy 2 buổi/ngày, trong đó có 70% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, 30% học sinh học bán trú.
Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 do Sở GD&ĐT tổ chức.
Bà Hồ Thị Phi Yến, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT), cho biết: Theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh tiểu học sẽ học 2 buổi/ngày. Chương trình mới giúp giảm bớt áp lực tiếp thu so với khi học 1 buổi/ngày. Hơn nữa giáo viên sẽ có thêm thời gian tiếp cận, hướng dẫn cho học sinh, còn các em có nhiều thời gian để tham gia các hoạt động trải nghiệm.
Năm học 2019 - 2020, ngành GD&ĐT tiếp tục thực hiện 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp cơ bản. Theo ông Phan Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, ngành sẽ tiếp tục rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, tăng cường cơ sở vật chất; triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS; tăng cường đạo đức lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, bảo đảm an toàn trường học...
Năm học mới tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Để chuẩn bị bước vào năm học mới, các địa phương, các trường đã có sự chuẩn bị về mọi mặt, như: Cơ sở vật chất, sân chơi cho học sinh, lên chương trình, hoạt động cho năm học... Bà Nguyễn Thị Phương Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân (TP Quy Nhơn), chia sẻ: Để giáo viên có thêm kỹ năng khai phá phẩm chất, năng lực của học sinh, nhà trường tổ chức Diễn đàn Nhà giáo và thời đại 4.0, tổ chức buổi trò chuyện chia sẻ dành cho giáo viên chủ nhiệm để các thầy, cô chia sẻ kinh nghiệm giúp đỡ học trò tiến bộ hơn, định hướng nghề nghiệp cho các em ngay từ khi bước vào trường. Hiện nay, hầu như em nào cũng tham gia mạng xã hội, do vậy, giáo viên không chỉ tương tác trực tiếp trên lớp mà thông qua mạng xã hội để chia sẻ, trò chuyện để thấu hiểu học trò hơn. Thấu hiểu học sinh là nội dung được chúng tôi xem trọng.
Chú trọng giáo dục kỹ năng
“Tỉnh ta có thể còn nhiều khó khăn, nhưng những gì tốt đẹp nhất phải dành cho học sinh”
Phó Chủ tịch Ubnd tỉnh NGUYỄN TUẤN THANH
Về triển khai nhiệm vụ năm học mới, tại một hội nghị tổ chức vào cuối tháng 8 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Tuấn Thanh lưu ý: Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy và học, năm học tới phải tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Nếu thấy cần thiết, ngành giáo dục nên làm đề án cụ thể trình cho UBND tỉnh, để có thể thuê chuyên gia về đào tạo kỹ năng sống cho học sinh vào giờ sinh hoạt ngoại khóa. Xin nhắc lại, chúng ta hay nói “tất cả vì học sinh thân yêu” nhưng tôi thấy nhiều hoạt động chưa thật sự vì học sinh. Tỉnh ta có thể còn nhiều khó khăn, nhưng những gì tốt đẹp nhất phải dành cho học sinh. Từ việc tổ chức lễ chào cờ, lễ khai giảng, sinh hoạt lớp, sinh hoạt ngoại khóa, đoàn, hội, đội trong nhà trường... phải hướng tới nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của học sinh. Đồng thời, ngành giáo dục nên đi đầu trong việc dạy bơi và dạy võ cho học sinh. Bình Định có 2 di sản lớn là võ và bài chòi, người dân Bình Định phải biết thưởng thức bài chòi, phải biết đôi chút về võ. Bình Định thường xuyên xảy ra bão lũ, lại là vùng có nhiều sông, biển, hàng năm đều có học sinh đuối nước, do vậy phải tập trung dạy bơi cho các cháu.
Cùng với kỹ năng sống, giáo dục đạo đức lối sống trong nhà trường cũng được chú trọng. Khi cấp tiểu học dạy học 2 buổi/ngày, các trường sẽ có thêm điều kiện tổ chức các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, chú trọng kết hợp dạy chữ dạy người. Ở các cấp học cao hơn, nhà trường tổ chức các buổi nói chuyện, lớp kỹ năng, hoạt động ngoài giờ lên lớp để giáo dục đạo đức lối sống.
Ông Dương Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Quy Nhơn, chia sẻ: Nội dung chương trình ở cấp THPT chỉ tập trung giáo dục ý thức trách nhiệm công dân, chưa có môn học chính thức với thời lượng đảm bảo để giáo dục đạo đức lối sống tốt đẹp cho học sinh. Khoảng trống giáo dục là một trong những nguyên nhân bùng nổ các vấn đề về đạo đức lối sống như hiện nay. Do vậy, bên cạnh dạy chữ, tôi nghĩ, nhà trường còn nên giáo dục kỹ năng, đạo đức cho các em và thầy cô phải làm gương cho học sinh.
THẢO KHUY