Kịp thời ứng cứu
Góp phần hỗ trợ công tác tổ chức giải thể thao thành công có vai trò không thể thiếu của bộ phận y tế, thực hiện kiểm tra sức khỏe, kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho VĐV. Như VnExpress Marathon diễn ra ở TP Quy Nhơn cách đây gần 3 tháng, số lượng VĐV tham gia rất đông, thời tiết mùa hè nắng nóng, nên ban tổ chức đã bố trí đến 12 trạm y tế trên cung đường chạy rất dài, đồng thời còn có 2 bác sĩ chuyên khoa tim mạch và 3 xe cứu thương túc trực. Nhờ vậy, đã kịp thời hỗ trợ các tình huống VĐV chấn thương, kiệt sức.
Tại Giải bóng đá hạng nhất quốc gia năm 2019, Ban tổ chức ở sân vận động Quy Nhơn tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc bố trí tổ y tế và xe cứu thương túc trực tại sân theo quy định của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Đã hàng trăm lượt trận, nhưng xe cứu thương chưa bao giờ phải hụ còi. Nhưng đúng theo quy định, hoặc như nhiều người vẫn nói vui “nuôi quân ba năm, dùng chỉ một giờ”, chưa trận đấu nào vắng bóng xe cứu thương và ê kíp nhân viên y tế. Tại vòng 19 diễn ra chiều 25.8 trên sân vận động Quy Nhơn, sau nỗ lực ghi bàn ở phút 73 thì chân sút Lê Thanh Phong của đội Bình Định bị chấn thương nặng, gãy xương đòn. Ngay lập tức, nhân viên y tế đã sơ cứu cho cầu thủ này và đưa anh đến bệnh viện.
Giải vô địch kickboxing toàn quốc năm 2019 vừa qua, Ban tổ chức đã đề nghị Sở Y tế chỉ đạo BVĐK tỉnh bố trí đội ngũ y tế trực cấp cứu, sơ cứu và các điều kiện khác cần thiết để đảm bảo công tác y tế tại chỗ trong thời gian diễn ra các trận đấu. Đây là môn đối kháng rất quyết liệt, trước các trận đấu, tất cả các võ sĩ thượng đài đều được kiểm tra tình trạng sức khỏe, huyết áp, tim mạch, đủ điều kiện như quy định mới được thi đấu. Trong khá nhiều trận đấu, nhân viên y tế đều có “việc làm” giúp các võ sĩ bị chấn thương tay, chân, rách mi mắt, chảy máu miệng... được sơ cứu kịp thời.
Có những việc tưởng như thừa nhưng chỉ cần một lần thiếu hậu quả sẽ khôn lường.
MAI THƯ