Háo hức với Liên hoan văn hóa cồng chiêng
Sau niềm vui được nhận cồng chiêng mới, Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Ðịnh lần thứ I - năm 2019, diễn ra vào tối 11.9 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành hứa hẹn sẽ là nơi hòa chung niềm vui, lan tỏa âm vang núi rừng.
Tham gia Liên hoan sẽ có 9 đoàn nghệ nhân, diễn viên đến từ các huyện miền núi, trung du trong tỉnh. Trong đó các huyện Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão mỗi huyện có 2 đoàn, các huyện Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân mỗi huyện có 1 đoàn. Những ngày này, đội cồng chiêng ở các địa phương đã hoàn tất khâu chuẩn bị, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đi thu âm cồng chiêng ở từng địa phương để phục vụ cho đêm liên hoan.
Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh thu âm cồng chiêng để phục vụ cho liên hoan.
Tham gia Liên hoan, Vân Canh có 2 đoàn gồm làng Cát của xã Canh Liên và làng Hòa Hiệp của xã Canh Hiệp. Ngày Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đến thu âm các đoàn đã sẵn sàng mọi thứ, vì thế công việc diễn ra nhanh chóng. Tương tự các đoàn của huyện Vân Canh, đoàn xã Vĩnh An của huyện Tây Sơn, đoàn xã Vĩnh Sơn, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT Vĩnh Thạnh của huyện Vĩnh Thạnh và các đoàn của các huyện khác cũng đang hồ hởi chuẩn bị tiết mục biểu diễn tại Liên hoan. Điểm chung ở các đoàn là thành viên trong độ tuổi thanh niên chiếm khá cao.
Anh Đinh Rơm (30 tuổi, ở làng Giọt 1, xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn), một thành viên của đội cồng chiêng của xã Vĩnh An, chia sẻ: Hơn 10 tuổi tôi đã luyện tập cồng chiêng, từ đó đến nay, ở bất kỳ liên hoan, trình diễn nào từ xã đến huyện nếu có cơ hội tôi đều tham gia. Đây là lần đầu tiên tỉnh ta có liên hoan cồng chiêng cấp tỉnh, chúng tôi cố gắng luyện tập để tiết mục được chỉn chu, trọn vẹn nhất có thể. Đây cũng là dịp để chúng tôi có thể quan sát, học hỏi những điểm hay, chỗ đẹp của các đội khác.
Tại Liên hoan lần này, có lẽ đội cồng chiêng của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT Vĩnh Thạnh là đội trẻ nhất. Ông Từ Kim Lân, Hiệu trưởng Nhà trường, chia sẻ: Nhiều năm qua, chúng tôi luôn nỗ lực để đội cồng chiêng duy trì hoạt động. Chuẩn bị cho Liên hoan, nhà trường đã mời nghệ nhân Yang Danh và nghệ nhân Đinh Kim đến hướng dẫn luyện tập nâng cao cho các em; bản thân các em cũng rất háo hức. Đây cũng là cơ hội để thắp lên niềm tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc các em.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, tổ chức Liên hoan cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ I - năm 2019 là nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào. Bên cạnh đêm Liên hoan, chiều 11.9, tỉnh tổ chức chương trình gặp mặt các nghệ nhân cồng chiêng tiêu biểu tỉnh Bình Định. Đây là dịp để các nghệ nhân chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong việc phục hồi, truyền dạy, phát huy nghệ thuật cồng chiêng đặc sắc của dân tộc mình; tạo không khí vui tươi đoàn kết.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, nghệ nhân Yang Danh (Vĩnh Thạnh), chia sẻ: Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh không chỉ là nơi giao lưu, gặp gỡ của nghệ nhân và đoàn cồng chiêng ở các địa phương mà còn là động lực để các đội cồng chiêng tập luyện, trao truyền; có các cuộc thi, liên hoan, tinh thần luyện tập của các đoàn sẽ cao hơn rất nhiều.
Ngoài những tiết mục về cồng chiêng, chương trình còn những tiết mục khác để tăng thêm tính hấp dẫn như tiết mục mở màn, các tiết mục văn nghệ do ca sĩ Trọng Tấn, Anh Thơ biểu diễn. Những ca khúc trình diễn tập trung vào chủ đề quê hương đất nước, như Trọng Tấn sẽ trình diễn ca khúc “Việt Nam trong tôi”, Anh Thơ sẽ đến với công chúng qua ca khúc “Bóng cây Kơ nia”. Đặc biệt, mở màn cho Liên hoan là tiết mục Mừng hội rước cồng chiêng, với sự tham gia biểu diễn của những làng vừa được tỉnh tặng cồng chiêng - đạo diễn chương trình, nhạc sĩ Đào Minh Tâm cho biết.
THẢO KHUY