Đẩy mạnh sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP:
Gắn với giải quyết đầu ra sản phẩm
Sản xuất rau an toàn (RAT) theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường… Ban quản lý (BQL) Dự án Sinh kế nông thôn bền vững (DA SKNTBV) tỉnh cùng ngành chức năng, chính quyền các địa phương đã tăng cường hỗ trợ nông dân mở rộng quy mô sản xuất RAT, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.
Quy trình sản xuất khác biệt
Hợp phần RAT được chứng nhận thuộc DA SKNTBV do Cơ quan phát triển quốc tế New Zealand (NZAID) tài trợ, đã được triển khai tại làng rau Thuận Nghĩa - thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn); thôn Luật Chánh- xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước); thị trấn Tam Quan và xã Hoài Thanh Tây (huyện Hoài Nhơn). Từ năm 2010 đến nay, tỉnh ta đã thành lập 10 nhóm nông dân cùng sở thích (NDCST) sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP tại các địa phương nói trên.
Theo ông Ngô Tùng Thu, Quản đốc DA SKNTBV tỉnh, quy trình sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP rất khác biệt. Người sản xuất RAT phải thực hiện nghiêm ngặt theo 12 nhóm chỉ tiêu về đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất; chỉ tiêu về giống; quản lý đất đai; phân bón và chất phụ gia; nước tưới; hóa chất (bao gồm cả thuốc BVTV)… Việc lấy mẫu rau để phân tích cũng phải thực hiện theo 4 nhóm chỉ tiêu: Hàm lượng Nitrat NO3; hàm lượng kim loại nặng (mức giới hạn tối đa về kim loại nặng trong rau, quả, chè búp tươi theo quy định tại QCVN 8-2:2011/BYT); vi sinh vật gây hại (mức giới hạn tối đa về vi sinh vật gây hại trong rau, quả theo quy định tại QCVN 8-3:2012/BYT); dư lượng thuốc BVTV (mức giới hạn tối đa về thuốc BVTV và hóa chất khác theo Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế; trường hợp chưa có quy định trong Quyết định 46 thì áp dụng theo Thông tư số 68/2010/TT-BNNPTNT) của Bộ NN-PTNT. Tất cả các hoạt động nói trên đều phải được ghi chép vào sổ nhật ký.
Hầu hết, thành viên các nhóm NDCST đều được đào tạo, tập huấn về quy trình kỹ thuật sản xuất RAT; quy trình quản lý chất lượng, đánh giá giám sát nội bộ RAT theo tiêu chuẩn VietGAP; vệ sinh an toàn thực phẩm. BQL DA cũng đã tập huấn kỹ thuật viên đồng ruộng cho các nông dân nòng cốt của nhóm NDCST và tập huấn về phương pháp quảng bá, tiếp thị sản phẩm… Ngoài ra, BQL DA còn tổ chức cho nông dân tham quan học tập kinh nghiệm về RAT VietGAP tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Lạt…
Điều đáng ghi nhận là phần lớn các thành viên trong các nhóm NDCST sản xuất RAT tại các địa phương đều đã thực hiện nghiêm túc quy trình sản xuất đã được tập huấn. Sản phẩm RAT của nông dân đã được Trung tâm Chất lượng nông-lâm-thủy sản vùng II thuộc Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cấp giấy chứng nhận VietGAP. Nhờ vậy, từ năm 2011 đến nay, các NDCST đã sản xuất và tiêu thụ được trên 150 tấn rau an toàn tại các địa phương trong tỉnh và một số tỉnh lân cận (Coopmart Gia Lai, Coopmart Phú Yên…).
Rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap được bán tại Siêu thị Coop Mart Quy Nhơn. Ảnh: VĂN LƯU
Đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ RAT
Sản xuất và sử dụng RAT mang lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Bởi vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương mở rộng quy mô sản xuất và tiêu thụ sản phẩm RAT. Mục tiêu của tỉnh ta trong năm 2013, duy trì diện tích sản xuất 10 ha, sản lượng 200 tấn; sơ chế và tiêu thụ 140 đến 160 tấn (từ nay đến cuối năm 2013 mỗi ngày tiêu thụ từ 1 đến 1,2 tấn). Năm 2014, phát triển diện tích sản xuất lên 15 ha, sản lượng 750 tấn; sơ chế và tiêu thụ 700 tấn RAT.
Ông Hồ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, kiêm Giám đốc DA SKNTBV tỉnh, cho biết: Để đạt được mục tiêu nói trên, Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc lập quy hoạch phát triển các vùng sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP. Lồng ghép kế hoạch của DA với kế hoạch của ngành Nông nghiệp nhằm tăng cường nguồn lực cho Hợp phần RAT và có kế hoạch nhân rộng mô hình RAT VietGAP ra các huyện khác của tỉnh. Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác khuyến nông về quy trình sản xuất RAT, đồng thời tăng cường quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng phân bón, thuốc BVTV”.
Cũng theo ông Hồ Ngọc Hùng, để đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ RAT, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành: Công Thương, Y tế, Giáo dục - Đào tạo hỗ trợ các HTX, các nhóm NDCST tiêu thụ RAT ở các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, trường học, bệnh viện. UBND các huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn, các HTX thực hiện đúng kế hoạch và quy trình kỹ thuật. Các địa phương bố trí ngân sách để đào tạo, tập huấn nông dân vùng sản xuất RAT, phối hợp với các đoàn thể vận động cán bộ, công chức, các trường học, bệnh viện, các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn huyện sử dụng RAT theo tiêu chuẩn VietGAP. UBND các xã, thị trấn có chính sách giao đất, cho thuê đất cho các hộ nông dân tham gia sản xuất RAT và hỗ trợ các HTX trong việc tổ chức quản lý, sản xuất, sơ chế, tiêu thụ RAT. Thường xuyên kiểm tra và giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong nội bộ nông dân, kiên quyết đưa ra khỏi nhóm NDCST những hộ nông dân chây ì để khỏi ảnh hưởng đối với các hộ nông dân tích cực.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các HTX có trách nhiệm xây dựng phương thức thu mua RAT hợp lý, đảm bảo mức lợi nhuận cao hơn cho người sản xuất RAT so với người sản xuất rau bình thường; ký kết hợp đồng thu mua và tiêu thụ sản phẩm với từng thành viên của các nhóm NDCST để bà con yên tâm sản xuất, đồng thời chủ động và tích cực tìm kiến thị trường tiêu thụ RAT.
PHẠM TIẾN SỸ