Trăn trở với du lịch Tây Sơn
Tháng 9.2018, huyện Tây Sơn tổ chức Hội thảo phát triển sản phẩm du lịch Tây Sơn. Từ đó đến nay, huyện vẫn chưa thể định hình và xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách.
Xét về yếu tố tài nguyên du lịch và lượng khách, Tây Sơn chỉ xếp sau Quy Nhơn, song doanh thu thuần du lịch của Tây Sơn chưa nhiều. Bình quân, hàng năm du lịch Tây Sơn đón trên 150 nghìn lượt khách, doanh thu từ khối dịch vụ, thương mại và du lịch đóng góp 12% vào doanh thu của huyện. Tuy nhiên, du khách đến Tây Sơn chỉ dừng chân các điểm đến quen thuộc từ nhiều năm: Bảo tàng Quang Trung, Đài Kính Thiên và Khu du lịch sinh thái Hầm Hô. Các điểm đến của Tây Sơn hiện nay gần như chỉ là điểm nối dài của các tour du lịch về Bình Định; chưa trở thành một tour độc lập đủ sức thu hút du khách. Toàn huyện Tây Sơn có 20 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 2 di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia là Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt và cụm tháp Dương Long. Tài nguyên nhiều, song điểm đến chỉ quanh quẩn vài ba điểm quen thuộc, thậm chí ngay cụm tháp Dương Long - di tích lịch sử cấp Quốc gia vẫn chưa được nâng tầm xứng đáng để phục vụ du lịch.
Biểu diễn võ cổ truyền Bình Định tại tháp Dương Long.
Bà Hoàng Thu Sen, Giám đốc Vietravel Quy Nhơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định, nhận xét, mặc dù Tây Sơn sở hữu nhiều tài nguyên du lịch, song các điểm đến của Tây Sơn lại chưa thực sự nổi bật để thu hút khách. Các điểm đến quen thuộc có phần cũ mòn, không có điểm nhấn riêng. Nếu muốn phát triển ngành kinh tế này, Tây Sơn buộc phải đầu tư, khảo sát, thiết kế tour mới, sáng tạo sản phẩm du lịch mới… để lôi cuốn, khiến du khách tăng thời gian lưu trú tại địa phương, chứ không phải chỉ thăm thú một vòng vài nơi rồi đến chiều tối đã quay lại Quy Nhơn.
Ông Nguyễn Phạm Kiên Trung, Giám đốc Công ty Du lịch Miền Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định tỏ ý tiếc rẻ: Tây Sơn có tiềm năng du lịch có thể khai thác được quanh năm; giàu khả năng liên kết được với các địa phương liền kề. Song, cái thiếu của Tây Sơn là thiếu điểm nhấn để du khách lưu trú. Khách tới nhiều mà không lưu trú để phát sinh chi tiêu, đồng nghĩa với việc không có nhiều doanh thu du lịch.
Để biến tài nguyên, tiềm năng thành sản phẩm địa phương buộc phải đầu tư. Đáng tiếc, đến giờ ngay cả cụm tháp Dương Long - di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia vẫn trơ trọi một mình. Một di tích lịch sử dù mỹ lệ đến đâu, nếu thiếu đi sự vun vén của con người đều khó lòng phát triển, trở thành điểm đến du lịch, quảng bá vẻ đẹp của một vùng đất với du khách.
THU DỊU