Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành hàng bò thịt:
Thực trạng và giải pháp
Tại Hội thảo “Chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh ngành hàng bò thịt tỉnh Bình Định giai đoạn 2013-2020 và tầm nhìn 2030” do BQL Dự án Cạnh tranh nông nghiệp ( DA CTNN) tỉnh vừa tổ chức, đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng giúp nông dân tỉnh ta phát triển nghề chăn nuôi bò thịt bền vững, đưa bò thịt trở thành ngành hàng có thể cạnh tranh, nhằm tăng giá trị chăn nuôi, tăng nhu nhập cho nông dân.
Nghề chăn nuôi bò thịt mang lại nguồn thu nhập cao cho người chăn nuôi.
- Trong ảnh: Một hộ gia đình ở xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn) xuất bán bò thịt sau hơn 3 tháng nuôi vỗ béo. Ảnh: T.SỸ
Phát triển nhưng chưa bền vững
Theo đơn vị tư vấn (Công ty TNHH Tư vấn và dịch vụ Đồng Hành - tại Hà Nội) thực hiện chủ đề nói trên, trước đây đàn bò của tỉnh ta chủ yếu là bò cỏ, dáng vóc nhỏ, trọng lượng thấp, sản lượng thịt không cao, nên hiệu quả chăn nuôi thấp. Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp tỉnh đã thực hiện có hiệu quả chương trình nâng cao chất lượng đàn bò. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng các trạm chăn nuôi gia súc để nghiên cứu, khảo nghiệm, chuyển giao các giống vật nuôi mới cho nông dân, ngành Nông nghiệp tỉnh đã củng cố và phát triển mạng lưới thú y cơ sở, đào tạo đội ngũ dẫn tinh viên… phục vụ công tác lai tạo đàn bò, đồng thời xây dựng các điểm chăn nuôi bò thịt chất lượng cao để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Nhờ vậy, ngành nghề chăn nuôi bò thịt phát triển mạnh, quy mô đàn tăng, chất lượng thịt và sản lượng bò thịt xuất chuồng hàng năm đạt cao.
Nhiều hộ gia đình đã xây dựng trang trại trồng cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi bò, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đáng chú ý, việc liên doanh liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất xây dựng liên minh sản xuất nâng cao chăn nuôi bò lai bền vững và liên minh vỗ béo bò thịt chất lượng cao, với sự hỗ trợ của DA CTNN, đã tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có tính cạnh tranh, từng bước đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đến nay, đàn bò của tỉnh ta có gần 260.000 con, tỉ lệ bò lai chiếm gần 70% tổng đàn, tăng khoảng 2,2% so với cuối năm 2012; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng năm 2012 đạt 25.259 tấn, tăng 14.355 tấn so với năm 2005. Thị trường tiêu thụ bò thịt của tỉnh ta được mở rộng đến các tỉnh phía Nam, như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và gần đây là Đà Nẵng, Quảng Nam.
Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi bò thịt ở tỉnh ta cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế và thiếu tính bền vững. Cụ thể là quy mô chăn nuôi còn nhỏ, phân tán; việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế; nông dân khó tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư phát triển chăn nuôi; dịch bệnh gia súc thường xuyên đe dọa; đầu ra sản phẩm không ổn định; hiệu quả kinh tế của đàn bò thịt chưa tương xứng với tiềm năng…
Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh
Tiến sĩ Lê Ngọc Hướng, Trưởng nhóm tư vấn thực hiện chủ đề nâng cao năng lực cạnh tranh ngành hàng bò thịt tỉnh Bình Định, cho biết: “Trên cơ sở phân tích thực trạng, tiềm năng, cơ hội và thách thức, chúng tôi cho rằng để nâng cao năng lực cạnh tranh ngành hàng bò thịt tỉnh Bình Định giai đoạn 2013-2020 và tầm nhìn 2030, Bình Định cần phát triển đàn bò theo vùng: Đối với các huyện miền núi, thuận lợi về đất đai, đồng cỏ, nhưng năng lực tài chính, trình độ kỹ thuật của người dân còn hạn chế nên duy trì và phát triển đàn bò cái nền. Các huyện vùng trung du khuyến khích phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại. Các huyện đồng bằng ven biển phát triển mô hình vỗ béo bò theo hướng thâm canh cao. Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường công tác giống, hỗ trợ kỹ thuật; nghiên cứu quy hoạch, xây dựng chợ đầu mối trâu-bò; quy hoạch, chỉ đạo xây dựng và vận hành các khu giết mổ tập trung; tăng cường các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ; phát triển hệ thống đại lý, nhà hàng tiêu thụ thịt bò; xây dựng và duy trì trang web riêng cho ngành hàng bò thịt; xây dựng thương hiệu bò thịt.
Theo ông Ngô Văn Thèo, Trưởng phòng Chăn nuôi - Sở NN-PTNT: Để bò thịt Bình Định trở thành mặt hàng cạnh tranh, cần rà soát, điều chỉnh, xây dựng quy hoạch các sản phẩm chăn nuôi chủ lực; quy hoạch cơ sở sản xuất, chế biến; tổ chức lại hệ thống giết mổ gia súc. Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư trang thiết bị, dụng cụ, vật tư, bò đực giống có tỉ lệ máu Zêbu cao để phục vụ công tác lai tạo; ưu tiên kinh phí khuyến nông xây dựng mô hình trình diễn về chế biến thức ăn gia súc…
Các ý kiến tham luận tại Hội nghị cũng nêu rõ tầm quan trọng và sự cần thiết phải đầu tư, phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh ngành hàng bò thịt trong thời điểm hiện nay. Ông Văn Thành Hải, Chủ nhiệm HTXNN Tả Giang, xã Tây Giang (huyện Tây Sơn) cho rằng, bên cạnh thực hiện các giải pháp nâng cao số lượng và chất lượng đàn bò thịt, cần phải hỗ trợ người chăn nuôi về vốn vay, xúc tiến thương mại, kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bà Ngô Hồng Minh, Trưởng phòng kinh doanh - Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT tỉnh, cho biết: Ngân hàng luôn tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết kịp thời nhu cầu vay vốn của khách hàng, tích cực triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết 41/2010 của Chính phủ, trong đó cho vay không có đảm bảo bằng tài sản với mức tối đa đến 50 triệu đồng đối với hộ cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác sản xuất trên lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; ưu tiên áp dụng mức lãi suất thấp với đối tượng khách hàng vay để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Theo bà Trần Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc BQL DA CTNN tỉnh, trên cơ sở thực tế, tiềm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi bò thịt do đơn vị tư vấn điều tra, đánh giá trong thời gian qua và ý kiến đóng góp của các ngành chức năng tại Hội thảo, BQL DA và đơn vị tư vấn sẽ hoàn thiện báo cáo chủ đề: “Chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh ngành hàng bò thịt tỉnh Bình Định giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn 2030” trình Sở NN-PTNT xem xét, phê duyệt. Trên cơ sở đó, Sở NN-PTNT sẽ tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển ngành hàng bò thịt chất lượng cao nhằm phát triển nghề chăn nuôi bò thịt bền vững, đưa bò thịt trở thành ngành hàng cạnh tranh, nhằm tăng giá trị chăn nuôi, tăng thu nhập cho nông dân.
PHẠM TIẾN SỸ