Cải thiện sự phát triển của trẻ sơ sinh nhẹ cân tại khu vực bị nhiễm chất độc da cam nặng:
Phòng ngừa chủ động
Dự án “Cải thiện sự phát triển của trẻ sơ sinh nhẹ cân tại khu vực bị nhiễm chất độc da cam nặng ở Việt Nam”, vừa khởi động tại Bình Ðịnh. Ðây là dự án có ý nghĩa rất lớn đối với bà mẹ và trẻ sơ sinh tại khu vực nhiễm chất độc da cam.
dự án do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, ủy quyền cho Trường ĐH Kanazawa (Nhật Bản) thực hiện.Trước đó, một nghiên cứu kéo dài trong 10 năm (từ 2008 - 2018) của Trường ĐH Kanazawa đã phát hiện hàm lượng dioxin trong sữa của những bà mẹ tại huyện Phù Cát cao hơn các khu vực khác.
Nghiên cứu ảnh hưởng của dioxin đến sức khỏe người dân
GS Kido Teruhiko, Trường ĐH Kanazawa, cho biết: Từ năm 2002, nhóm của ông đã tiến hành điều tra tình trạng sức khỏe của người dân tại khu vực nhiễm chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam. Từ năm 2008, nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Kanazawa phối hợp cùng với Ban 10-80 Trường ĐH Y Hà Nội tiến hành điều tra tác hại của dioxin lên sức khỏe của người dân sống tại khu vực huyện Phù Cát - một trong những “điểm nóng” của Việt Nam về ô nhiễm dioxin.
UBND tỉnh làm việc với JICA, Trường ĐH Kanazawa về Dự án Cải thiện sự phát triển của trẻ sơ sinh nhẹ cân tại khu vực bị nhiễm chất độc da cam nặng ở Việt Nam.
Từ mẫu máu và sữa mẹ của 52 trường hợp, nghiên cứu đã chỉ ra: Nồng độ dioxin trong máu và sữa mẹ của người dân trên địa bàn huyện Phù Cát cao hơn từ 2 đến 5 lần so với khu vực đối chứng không bị nhiễm chất độc hóa học (tỉnh Hà Nam). 12% số thai phụ ở khu vực bị nhiễm dioxin tại huyện Phù Cát sinh con nhẹ cân. Ngoài ra, tỷ lệ hormone vỏ thượng thận của các thai phụ này cũng cao. Khi khảo sát thêm mối quan hệ giữa steroid hormone và sự phát triển của trẻ em tại khu vực này, kết quả cho thấy testosterone trong hormone nam thấp, có thể ảnh hưởng tới đặc điểm sinh dục thứ cấp và phát triển tinh thần. Ở nam giới trưởng thành, nồng độ hormone tính dục tăng dần theo tuổi, khiến bệnh ung thư tuyến tiền liệt gia tăng.
“Từ những kết quả nghiên cứu nói trên, dioxin bị nghi ngờ là nguyên nhân chính gây chậm phát triển của trẻ em ở khu vực bị ô nhiễm. Tuy nhiên, các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em có xem xét tới ảnh hưởng của dioxin tại khu vực này chưa được tiến hành đầy đủ do thiếu kỹ năng và kiến thức của nhân viên y tế địa phương”, GS Kido trao đổi.
Khoảng 3.000 bà mẹ và trẻ được hỗ trợ
Kết luận khoa học này đặt ra yêu cầu về việc cai sữa mẹ sớm đối với trẻ sơ sinh trong vùng bị nhiễm chất độc hóa học. Điều này dẫn đến không ít quan ngại, nhất là trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh chương trình tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ.
Ông Võ Văn Chí, Giám đốc TTYT huyện Phù Cát - đại diện Chủ Dự án Cải thiện sự phát triển của trẻ sơ sinh nhẹ cân tại khu vực bị nhiễm chất độc da cam/dioxin nặng tại Bình Định - chia sẻ: “Nhằm đủ cơ sở, bằng chứng khoa học thuyết phục để triển khai các can thiệp về cai sữa sớm cho trẻ sơ sinh trong vùng bị nhiễm chất độc hóa học, dự án sẽ tiến hành kiểm tra trên phạm vi rộng với số mẫu nghiên cứu lớn hơn. Khi có cơ sở khoa học vững chắc, dự án cũng sẽ có chương trình tư vấn dinh dưỡng cho các trường hợp can thiệp cai sữa, đảm bảo sự phát triển của trẻ”.
Trong 3 năm 2019 - 2022, Dự án Cải thiện sự phát triển của trẻ sơ sinh nhẹ cân tại khu vực bị nhiễm chất độc da cam nặng ở Việt Nam sẽ triển khai tại huyện Phù Cát với tổng vốn tài trợ dự kiến hơn 82 triệu yên Nhật (tương đương hơn 16,9 tỷ đồng). Dự án hướng đến việc tăng cường năng lực quản lý, phối hợp trong triển khai dự án của các bên tham gia, bao gồm: TTYT huyện Phù Cát, Ban 10-80 Trường ÐH Y Hà Nội, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc, Trường ÐH Quốc gia Hà Nội. Mặt khác, nâng cao nhận thức của người dân tại địa bàn triển khai dự án về sự ảnh hưởng của chất độc da cam lên sức khỏe, chức năng sinh sản.
Đại diện Trường ĐH Kanazawa cũng cho biết: Một số DN Nhật Bản đồng hành với dự án và sẽ hỗ trợ sữa, bột dinh dưỡng thay thế sữa mẹ cho trẻ cai sữa sớm tại Phù Cát. Trong 3 năm triển khai dự án, có khoảng 3.000 bà mẹ và trẻ sơ sinh trên địa bàn huyện được kiểm tra sức khỏe, thực hiện các xét nghiệm, tư vấn, hướng dẫn liên quan.
Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế nhận định: “Đây là dự án đầu tiên có ý nghĩa phòng ngừa chủ động, can thiệp vào những ảnh hưởng của chất độc hóa học lên thế hệ trẻ. Các dự án trước đây mới chỉ tập trung khắc phục hậu quả của chất độc da cam. Bình Định vẫn còn rất nhiều địa bàn bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học. Những kết quả của dự án này sẽ là cơ sở để mở rộng dự án ra nhiều địa phương khác”.
Bên cạnh đó, khoảng 330 bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế từ tuyến huyện đến tuyến xã, thôn tại huyện Phù Cát được đào tạo, tập huấn về các mối nguy hiểm đối với sức khỏe từ chất độc da cam/dioxin, phương pháp kiểm tra nồng độ dioxin trong sữa mẹ và kỹ năng tư vấn phương pháp chăm sóc sức khỏe cho các bà mẹ, trẻ em bị ảnh hưởng của chất độc da cam. TTYT huyện Phù Cát được hỗ trợ các trang thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ liên quan, gồm: 1 máy xét nghiệm sinh hóa và 2 lồng ấp. Tháng 3.2019, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí để mua sắm thiết bị và TTYT huyện Phù Cát đang thực hiện các thủ tục để mua, lắp đặt thiết bị tại Trung tâm.
NGUYỄN MUỘI