Ở ngôi trường mang tên Hy Vọng
Trước thềm năm học mới, nếu học sinh các trường phổ thông bình thường được quan tâm một phần thì ở Trường chuyên biệt Hy Vọng Quy Nhơn, học sinh được thầy cô yêu thương, quan tâm nhiều hơn tới hai, ba phần.
Năm học 2019 - 2020, Trường chuyên biệt Hy Vọng có 175 học sinh, nhiều hơn năm ngoái 15 học sinh. Vì trường đang sửa chữa, xây dựng thêm một số hạng mục nên các học sinh mới sẽ đến trường vào tháng 11.
Niềm vui năm học mới
Ông Trần Gia Tín, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Sở dĩ có chuyện nhập học muộn hơn bình thường là vì trường cũng đang còn khá ngổn ngang, các cháu chậm phát triển trí tuệ khi mới nhập học thường rất tò mò, nên nhà trường đề nghị cho các cháu vào học chính thức trễ hơn một chút. Như vậy sẽ đảm bảo an toàn cho các cháu hơn. Dù vậy, các học sinh mới vẫn được đón Tết Trung thu cùng với bạn bè. Nhà trường sẽ gửi thư mời để phụ huynh đưa các cháu đến chung vui và làm quen với các bạn.
Học sinh Trường chuyên biệt Hy Vọng gặp gỡ, giao lưu với các anh, chị ở Hội đồng Đội tỉnh.
Khi tôi đến trường, Hội đồng Đội tỉnh đang đến thăm và giao lưu với các em. Trên sân khấu, các anh, chị hát, múa, phía dưới, các em học sinh hào hứng tươi cười vỗ tay theo. Không chỉ các em học sinh vui, thầy Hiệu trưởng cũng vui không kém khi đưa tôi đi thăm phòng học đàn, phòng máy vi tính mà nhà trường mới được tặng. Ông khoe, trường còn được tặng 1 bộ âm thanh, 2 máy chiếu thông minh và màn hình. Các thiết bị này sẽ giúp trường tổ chức được thêm nhiều hoạt động, hỗ trợ giảng dạy cho các em.
Thầy Tín vui vẻ kể: Trước giờ các cô chỉ dạy các cháu hát, dù rất muốn nhưng chưa có cơ hội dạy đàn. Sắp tới trường sẽ tổ chức dạy đàn cho các cháu. Dạy đàn cho các học sinh ở trường này sẽ khó khăn hơn trường bình thường rất nhiều lần nhưng âm nhạc sẽ rất tốt cho sự phát triển của các cháu nên chúng tôi động viên nhau cùng cố gắng. Không chỉ vậy, lễ khai giảng năm nay cũng sẽ diễn ra thật nhẹ nhàng, thoải mái. Ngoài các tiết mục văn nghệ, trường sẽ tặng quà để tạo sự hưng phấn cho học sinh ngay từ những ngày đầu tiên của năm học mới. Dịp này, một số trường khác đã liên hệ để tổ chức tặng quà, giao lưu với học sinh Trường chuyên biệt Hy Vọng.
Yêu thương nhiều hơn
Năm ngoái, trong điều kiện thiếu nhiều giáo viên, khuôn viên chật hẹp, lại có tới 160 học sinh, Trường chuyên biệt Hy Vọng thật sự quá tải. Năm nay dù trường đã tuyển thêm 4 giáo viên tiểu học, 1 giáo viên tổng phụ trách Đội, 4 nhân viên hỗ trợ giáo dục, nhưng với việc có thêm 15 học sinh mới, vấn đề quá tải vẫn chưa thể được giải quyết.
Tại Trường chuyên biệt Hy Vọng, mỗi lớp có từ 6 - 10 học sinh, cùng với giáo viên đứng lớp trực tiếp còn có một số bảo mẫu. Nhiều giáo viên ở đây bày tỏ, các cháu bị tự kỷ, khiếm thính nên đòi hỏi phải kiên trì, nhẫn nại, chịu khó hơn. Bắt đầu dạy trẻ tự kỷ, chậm phát triển từ năm 2003, cô giáo Phạm Thị Ánh Nguyệt chia sẻ: “Nếu báo đài thỉnh thoảng có đưa thông tin giáo viên bạo hành học sinh, thì ở trường chuyên biệt, đôi khi giáo viên còn bị các em đánh. Hiểu được những thiệt thòi của các em, những lúc như vậy, các cô thương các em nhiều hơn. Vì lớp chỉ có mấy cô trò nên khi quen nhau rồi, nom giống như một gia đình”.
Đối với những em mới vào, các cô sẽ giúp các em tiếp cận chương trình thấp và các kỹ năng như: Kỹ năng xã hội, tự phục vụ, giao tiếp. Còn những học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 thì đi vào chương trình cao hơn. Với nhiều cô giáo ở trường, dường như những kỷ niệm về học sinh khắc sâu trong tâm trí các cô. Kể về học sinh, các cô nhớ rõ từng em một, mỗi em đều gắn với từng kỷ niệm, như mùa hè mà bạn Sang đòi đi học, gặp cô giáo ở trường, hai cô trò đã cùng nhau dọn lớp học; hay có bạn hôm trước chê… cô xấu, sợ cô buồn nên hôm sau ríu rít… khen cô đẹp. Những kỷ niệm nho nhỏ như thế tích tụ lại, để đến khi hồi tưởng là thấy cả một trời thương yêu.
THẢO KHUY