Tăng giờ làm thêm: Nên giới hạn một số ngành nghề
Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lấy ý kiến rộng rãi. Trong đó, đề xuất mở rộng khung thời gian làm thêm giờ (400 giờ/năm) đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ phía người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ).
Tại các hội thảo góp ý dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), khi đề cập đến đề xuất nới rộng khung giờ làm thêm của NLĐ, đại diện các hiệp hội ngành nghề cho rằng điều này sẽ vừa giúp người sử dụng lao động bảo đảm được mục tiêu sản xuất - kinh doanh vừa giúp NLĐ nâng cao thu nhập. Ủng hộ ý kiến này của các doanh nghiệp, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng so với các quốc gia trong khu vực, số giờ làm thêm tối đa của NLĐ Việt Nam hiện ở mức thấp. Do vậy, đề xuất tăng thời gian làm thêm giờ của Việt Nam là phù hợp với xu thế chung của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tăng giờ làm thêm sẽ khiến sức khỏe công nhân bị bào mòn Ảnh: AN CHI
Bộ Luật Lao động hiện hành quy định rõ nguyên tắc thỏa thuận khi làm thêm giờ. Thế nhưng, việc giám sát thực hiện quy định này rất khó khăn và tình trạng doanh nghiệp vi phạm về giờ làm thêm khá phổ biến. Ở một số địa phương, có nhiều KCX-KCN, có nơi NLĐ làm việc vượt gấp 2-3 lần khung giờ quy định. Thậm chí họ làm việc liên tục từ 10-12 giờ/ngày trong thời gian dài. Tăng ca nhiều nhưng thực tế thu nhập tăng thêm của NLĐ lại không đáng kể trong khi họ lại phải đối diện với rủi ro tai nạn lao động, sức khỏe bị suy kiệt. Rõ ràng, tăng thời gian làm thêm giờ không phải là một giải pháp dài hạn để tăng cường sản xuất.
Theo tôi, ở góc nhìn nhân văn, việc quy định về giờ làm thêm phải đúng với bản chất là nhằm bù đắp sự thiếu hụt lao động đột xuất, tạo sự linh hoạt và tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các nước. Để tăng tính thuyết phục của đề xuất nới rộng khung giờ làm thêm, cơ quan soạn thảo cần tính toán theo hướng bảo đảm chặt chẽ, giới hạn trong một số trường hợp đối với một số ngành nghề, công việc nhất định.
Theo Đỗ Quốc Tiến (NLĐ)