Lan tỏa đam mê sáng tạo
Ngày 29.8, Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bình Ðịnh lần thứ VI (2018 - 2019) đã trao giải cho các tác giả và nhóm tác giả xứng đáng. Sau 5 năm triển khai, cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh đã lan tỏa niềm đam mê sáng tạo, rèn luyện kỹ năng nghiên cứu cho các em.
Cuộc thi năm nay có nhiều giải pháp dự thi, đa dạng và phong phú thể loại.
So với mọi năm, cuộc thi năm nay có nhiều chuyển biến đáng mừng. Theo Ban Tổ chức cuộc thi, số lượng giải pháp dự thi năm nay nhiều, đa dạng và phong phú thể loại. Phần lớn giải pháp đã xây dựng được mô hình hoặc hoàn thiện thành sản phẩm ứng dụng trong thực tiễn. Những giám khảo nhiều năm chấm thi cho rằng, cái hay nhất của năm nay là các đề tài đều hướng vào thực tiễn sản xuất, đời sống.
Theo TS. Nguyễn Thị Tố Trân, Trưởng Ban giám khảo, cuộc thi năm nay nhận được rất nhiều mô hình sản phẩm liên quan đến sản xuất và đa số đều có tính ứng dụng thực tiễn. Nhắc đến hai giải pháp “Máy gom và giê lúa đa năng” của Đặng Minh Vàng và Lê Trang Anh Tuấn (Trường THPT chuyên Chu Văn An) và “Cung cấp rau xanh cho tàu đánh cá xa bờ tỉnh Bình Định” của Đỗ Anh Tuấn và Trần Quang Khải (Trường THCS thị trấn Tuy Phước), bà Trân cho rằng: “Giải pháp của học sinh Trường THCS thị trấn Tuy Phước nếu được tiếp tục hỗ trợ, nghiên cứu và hoàn thiện không những cung cấp tốt rau xanh cho các đội tàu thuyền đánh cá xa bờ mà còn có thể nhân rộng thành phương pháp trồng rau cho các đảo. Còn đề tài của học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An hoàn toàn có thể đưa ra ứng dụng ngay cho HTX, thay thế việc thu gom lúa bằng tay hiện nay”.
Cuộc thi thành công khi tạo được sức lan tỏa, thu hút sự quan tâm của đông đảo thanh thiếu niên, nhi đồng trong toàn tỉnh. Lần đầu tiên, Ban Tổ chức cuộc thi đẩy mạnh tuyên truyền bằng cách cử các đoàn về trường học để giới thiệu, phổ biến về cuộc thi. Nhờ vậy, 51 giải pháp góp mặt rất phong phú, đa dạng ở tất cả các lĩnh vực dự thi, gần gũi với đời sống xã hội. Nhiều giải pháp thể hiện ước mơ, khát vọng của tác giả ở lứa tuổi học sinh trong việc giải quyết những bức xúc của sản xuất, sinh hoạt thường ngày.
Giải pháp Hệ thống áo phao túi khí tích hợp trong áo mưa giúp đảm bảo an toàn cho người dân vùng rốn lũ.
Em Phan Vũ Trường An (lớp 11A1, Trường THPT số 3 Tuy Phước), đồng tác giả giải pháp “Hệ thống áo phao túi khí tích hợp trong áo mưa”, cho hay, vùng quê Lạc Điền (xã Phước Thắng, Tuy Phước) thường đối mặt với những trận lũ lụt kéo dài cả tháng trời. Nhìn cảnh người dân mặc áo mưa lội bì bõm trong nước lũ chảy xiết, An nảy sinh ý tưởng tích hợp áo phao trong áo mưa. “Em và anh Nguyễn Ngọc Huy phối hợp thực hiện giải pháp hệ thống áo phao túi khí tích hợp trong áo mưa và đạt giải ba. Không thể diễn tả hết cảm xúc khi ý tưởng của mình trở thành hiện thực và được công nhận”, An chia sẻ.
Dù vậy, một cách khách quan, theo ông Lê Văn Tâm - Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi, cuộc thi vẫn còn hạn chế, công tác tuyên truyền vẫn chưa sâu rộng nên chưa phát huy được hết tiềm năng tư duy sáng tạo của lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng. Một số ít cơ sở Đoàn, đội, trường học chưa nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của cuộc thi nên số lượng mô hình, sản phẩm dự thi chưa tương xứng.
Không chỉ dừng ở “sân chơi” KHKT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho rằng cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn tỉnh phải thực sự trở thành một phong trào sôi nổi, thiết thực, có hiệu quả. Ngay khi phát động cuộc thi lần thứ VII (2019 - 2020), yêu cầu đặt ra là các tổ chức Đoàn, đội, các cơ sở giáo dục, nhà trường trên địa bàn tỉnh cần tạo điều kiện cho học sinh, thanh thiếu niên, nhi đồng phát huy trí tuệ, tích cực nghiên cứu, đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp sáng tạo kỹ thuật có giá trị cao phục vụ học tập, sản xuất và đời sống. “Cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến cuộc thi sâu rộng để số lượng giải pháp dự thi lớn hơn và chất lượng cao hơn. Lĩnh vực dự thi cũng gần gũi hơn vào những vấn đề thiết thực trong cuộc sống và học tập của học sinh”, ông Trần Châu nhấn mạnh.
NGỌC TÚ