Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá cao về chính sách visa của ngành Du lịch Việt Nam
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vừa công bố bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh lữ hành và du lịch (TTCI) năm 2019. Theo đó Việt Nam được thăng hạng từ 67 lên vị trí 63.
Năm nay có 140 quốc gia và vùng lãnh thổ được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng, dựa trên 14 yếu tố như: Tài nguyên văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, cạnh tranh về giá, cơ sở hạ tầng vận tải hàng không, ưu tiên du lịch, cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch, môi trường bền vững, an ninh an toàn... Tất cả được đánh giá trên thang điểm từ 1 đến 7.
Tàu du lịch tại vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) - Ảnh Vi Phong
Với những nỗ lực trong quản lý chính sách cùng những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, năng lực cạnh tranh lữ hành và du lịch (TTCI) của Việt Nam đã được WEF xếp ở vị trí thứ 63/140 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong đó, chính sách về visa của Việt Nam được WEF đánh giá có chỉ số tăng cao nhất với 63 bậc (từ vị trí 116 lên 53). Các chỉ số khác được cải thiện so với hai năm trước còn có: Cạnh tranh về giá, từ vị trí 35 lên 22; cơ sở hạ tầng hàng không, từ vị trí 61 lên 50; cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch, từ vị trí 113 lên 106...
Trong khi đó, Singapore vẫn là quốc gia dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh lữ hành và du lịch tại khu vực ASEAN (đứng vị trí thứ 17), tiếp đó là Malaysia (đứng vị trí thứ 29) và Thái Lan giữ vị trí thứ ba khi được WEF đánh giá ở vị trí thứ 31.
Thống kê của Tổng cục Du lịch cho biết, trong 8 tháng của năm 2019, Việt Nam đón hơn 11 triệu lượt khách quốc tế. Trong đó, khách châu Á chiếm 78,1% tổng số khách du lịch đến nước ta (tăng 9,9% so với cùng kỳ). Khách Trung Quốc giảm 0,9%; Hàn Quốc tăng 22,5%; Nhật Bản tăng 13,7%; Malaysia tăng 14,6%; Thái Lan tăng 46,3% ...
Mục tiêu năm nay của ngành Du lịch Việt Nam là đón khoảng 17,5 - 18 triệu lượt khách quốc tế.
Theo Vi Phong (toquoc.vn)