Chung tay giữ “mái nhà” của biển
Ngày 6.9, Hội nghị khởi động Dự án “Nâng cao năng lực của tổ chức cộng đồng địa phương gắn với giao quyền quản lý, bảo vệ san hô tại vùng biển ven bờ thuộc vịnh Quy Nhơn” do Hiệp hội Thủy sản Bình Ðịnh phối hợp với UBND TP Quy Nhơn và các sở, ngành liên quan tổ chức đã diễn ra tại TP Quy Nhơn.
Dự án “Nâng cao năng lực của tổ chức cộng đồng địa phương gắn với giao quyền quản lý, bảo vệ san hô tại vùng biển ven bờ thuộc vịnh Quy Nhơn” (gọi tắt Dự án vịnh Quy Nhơn) có tổng chi phí thực hiện hơn 2,27 tỉ đồng, trong đó được Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF/SGP) tài trợ hơn 1,1 tỷ đồng, triển khai thực hiện từ tháng 7.2019 đến tháng 6.2021, với mục tiêu lâu dài là bảo vệ rạn san hô, phát triển nguồn lợi thủy sản và du lịch sinh thái, góp phần tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân các xã, phường: Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Châu, Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn).
Khu vực bảo vệ rạn san hô kết hợp du lịch sinh thái cộng đồng của HTX Dịch vụ du lịch thủy sản Nhơn Hải tại đảo Hòn Khô nhỏ (xã Nhơn Hải).
Giữ “mái nhà” để không còn phải đau đớn
Các rạn san hô là nơi quần cư của nhiều loại sinh vật biển, đặc biệt là của các loại rùa biển động vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Giữ vai trò quan trọng với môi trường biển nên rạn san hô được ví là “mái nhà của biển”. Rạn san hô ở vùng vịnh Quy Nhơn rộng khoảng 152 ha.
Tuy nhiên hiện nay, những rạn san hô này đã bị suy thoái rất nặng do nhiều tác động của việc khai thác san hô bừa bãi, do phát triển du lịch tự phát, do rác thải nhựa, đặc biệt là do khai thác thủy sản ven bờ theo kiểu tận diệt. Bởi vậy, bảo vệ rạn san hô gắn với phát triển kinh tế, nhất là với du lịch cộng đồng là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Dư, một người dân 72 tuổi, ở thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải, bộc bạch: “Nhơn Hải còn có một tên gọi khác mà ngày nay không còn nhiều người nhớ, kể cả người dân bản địa là làng San Hô. Gọi như vậy là vì làng có rạn san hô dày đặc, trải dài dọc vùng biển gần bờ như những cánh rừng dưới biển. 40 năm về trước chính nhờ những rạn san hô này bảo vệ mà làng không bao giờ bị sóng biển xâm thực chứ nói chi đến chuyện làm lở bờ, sụp nhà như bây giờ. Sóng biển dù mạnh đến mấy, kể cả những ngày bão biển, trước khi vào bờ đều “kiệt sức” sau khi đi qua rạn san hô. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, người dân đua nhau khai thác san hô làm vôi, làm đồ mỹ nghệ... Ai cũng nghĩ cả rừng rừng lớp lớp như thế biết bao giờ mới hết được. Nhưng chỉ sau chừng 30 năm, những cánh rừng dưới biển đã biến mất. Mỗi lần nhớ về rạn san hô ngày xưa, những người già như tôi, ai cũng tiếc nuối đến đau đớn! Mấy năm gần đây, chính quyền và người dân cùng chung tay bảo vệ, nên san hô dần được phục hồi; cá tôm, rùa biển tìm đến cư trú! Là một người dân ở làng San Hô, tôi mong sao các thế hệ sau không bao giờ phải đau đớn như tôi!”.
Từ năm 2008, ngành chức năng của tỉnh thành lập nhiều mô hình đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ tại các xã, phường nêu trên, hình thành mạng lưới các khu bảo vệ rạn san hô cộng đồng vịnh Quy Nhơn.
Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, cho biết: “Được thiên nhiên ưu đãi có bãi biển đẹp, rạn san hô phong phú, nên người dân trong xã được hưởng lợi từ làm dịch vụ du lịch. Xã sẽ giao quyền quản lý rạn san hô cho cộng đồng tại khu vực Bãi Dứa với diện tích 8 ha để bảo vệ”.
Rạn san hô ở xã Nhơn Hải được bảo vệ, rùa biển thường xuyên xuất hiện và bò lên bãi biển đẻ trứng.
Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng
Theo ông Trần Thanh Thâm, Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch thủy sản Nhơn Hải, năm 2017, GEF/SGP đã tài trợ thực hiện Dự án quản lý, bảo vệ rạn san hô vùng biển ven bờ và phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Nhơn Hải. HTX được Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh giao hơn 12 ha mặt nước để quản lý, bảo vệ rạn san hô tại khu vực đảo Hòn Khô nhỏ theo phương thức quản lý cộng đồng.
Nhằm từng bước nâng cao năng lực của cộng đồng địa phương, không chỉ giao quyền quản lý, chính quyền và các ngành còn tạo điều kiện để ngư dân tìm thấy lợi ích thiết thực khi tham gia quản lý, bảo vệ các nguồn lợi từ rạn san hô. Ông Nguyễn Hữu Hào, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản - Trưởng ban điều hành Dự án vịnh Quy Nhơn, cho biết: “Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan của tỉnh, chính quyền các địa phương triển khai Dự án sao cho đạt hiệu quả cao nhất, hài hòa nhất. Mục tiêu chiến lược của Dự án là hướng đến bảo tồn, bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản ven bờ bền vững, giữ gìn tính đa dạng sinh học của tài nguyên môi trường biển vịnh Quy Nhơn, đảm bảo sinh kế lâu dài cho cộng đồng ngư dân”.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên của GEF/SGP, chia sẻ: “Những kết quả đạt được qua thực hiện Dự án được triển khai từ năm 2017 tại xã Nhơn Hải tạo tiền đề để chúng tôi hỗ trợ thực hiện Dự án vịnh Quy Nhơn với mục tiêu lâu dài thu hút sự tham gia của cộng đồng ngư dân, hướng tới phát triển du lịch sinh thái cộng đồng xanh, sạch, văn minh. Thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình quản lý rác thải nhựa tại xã đảo Nhơn Châu, góp phần bảo vệ bền vững hệ sinh thái biển, rạn san hô, đảm bảo lợi ích lâu dài cho người dân trên đảo”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN