“Nhiều đôi tay tiếp sức cho mẹ con tôi”
Cuộc sống luôn thử thách chúng ta bằng nhiều cách. Với chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết (27 tuổi, ở đội 11, thôn Lục Lễ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước), thử thách đó là mẹ già bị tai biến lâu năm, con thơ mắc bệnh nan y, gia cảnh khó khăn nhưng không thể rời con để bươn chải mưu sinh. May mắn, nhiều người tốt đã tìm đến giúp chị bằng những việc làm thiết thực nhất.
Chị Tuyết (ẵm con nhỏ) cùng các thành viên Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Bác Ái trò chuyện trước tiệm tạp hóa nhỏ.
Từ Nhà thờ Giáo xứ Lục Lễ, men theo con đường bê tông, vào sâu những ngõ nhỏ, tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết. Ở hiên nhà, người phụ nữ nhỏ nhắn ẵm đứa con bé bỏng nở nụ cười chào khách, rồi cúi xuống, nựng nịu con. Đứa bé tên Dương Chấn Khang. Khang bị bại não, liệt cứng hai chân. Đã 22 tháng tuổi, cậu bé vẫn chỉ nặng chưa đầy 4 kg, uống sữa hoàn toàn qua ống thông dạ dày.
Chồng rời bỏ khi con trai mắc bệnh nặng, chị Tuyết trở thành trụ cột duy nhất của gia đình nhỏ gồm 3 người. Đứa bé bám mẹ, đau ốm liên miên nên hai năm qua, chị Tuyết chỉ quanh quẩn ở nhà, chăm con, chăm mẹ đau yếu. Dì chị, bà Nguyễn Thị Điều (51 tuổi) kể: “Tuyết cố gắng nhận việc về nhà làm. Cháu nhận đan sợi nhựa. Một ngày đan được 2 miếng, kiếm được 6.000 đồng. Ban ngày, Khang khóc liên tục, phải dừng tay để lo cho con nên đêm cháu thức để làm cho kịp. Tôi xót quá, sợ rằng nó đau, ngã xuống đó là không ai lo cho con. Được nhiều người hướng dẫn, cháu tôi làm đơn gửi đi nhiều nơi. Qua đó, nhiều người tốt đã biết đến mẹ con cháu, giúp mẹ con cháu bằng nhiều cách”.
Một số nhóm thiện nguyện, các nhà hảo tâm đã tìm ghé nhà, tặng cho Tuyết món quà vật chất lẫn tinh thần ý nghĩa. Hôm tôi đến, gia đình nhà xe Song Hỷ (đơn vị dịch vụ vận tải du lịch và cho thuê xe tự lái) đã ghé thăm, động viên và tặng 50 kg gạo, 5 lít dầu, 1 lốc chai nước tương, 1 lon sữa bột cho em bé, bỉm, mì tôm... và 3 triệu đồng tiền mặt.
Hơn nửa tháng trở lại đây, nhà chị Tuyết có thêm một công trình mới. Khoảng sân trước nhà được phả xi măng, lợp mái tôn. Một cái tủ chưng hàng tạp hóa đặt giữa khoảng sân ấy. Mái hiên do Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Bác Ái (Tuy Phước) tài trợ. Riêng hàng hóa với đủ thứ, từ nhu yếu phẩm, văn phòng phẩm, các loại thức ăn vặt, sữa... do nhóm Phát Tâm (ở TP Quy Nhơn) tài trợ. Ngoài hàng hóa với trị giá khoảng 6 triệu đồng, nhóm còn tặng chị Tuyết 2 triệu đồng để làm vốn mua bán, tặng 500 nghìn đồng mua sữa cho bé Khang.
Chị Huỳnh Kim Tuyền (26 tuổi, thành viên nhóm Phát Tâm), chia sẻ: “Tuyết với chúng tôi có một cái duyên khó lý giải. Nghe về trường hợp của Tuyết, chúng tôi nghĩ ngay đến phương án làm một tiệm nhỏ để vừa có thể mua bán, vừa chăm con, nuôi mẹ. Ba người phụ nữ bàn với nhau, góp tiền, đi mua hàng hóa rồi được ông xã ủng hộ bằng cách chở hàng, vác hàng vào tận nhà Tuyết, được các con giúp đỡ bằng cách xếp hàng vào tủ, treo hàng lên dây... Cái tên Phát Tâm cũng ra đời từ buổi làm thiện nguyện ở nhà Tuyết”.
Nhắc về những nhà hảo tâm đã giúp đỡ gia đình mình, chị Tuyết tâm sự: “Một lời không thể nói hết được tình cảm và sự biết ơn của tôi dành cho những người tốt bụng. Đôi tay của rất nhiều người tốt, giàu cảm thông đã tiếp sức cho mẹ con tôi, làm tôi thêm mạnh mẽ. Tôi cũng cảm ơn các chị đã giúp tôi gian hàng tạp hóa. Sự tận tình của các chị thể hiện ra những hành động nhỏ nhất như dán tem giá lên từng món hàng, dặn dò cẩn thận cách tính toán, mua sắm trong ngày đầu tôi còn bỡ ngỡ. Bà con hàng xóm cũng ủng hộ gian hàng của tôi bằng cách ghé mua những món hàng mà tôi có bán”.
Bán mỗi món hàng, chị Tuyết lời từ 200 đồng đến 1.000 đồng. Dù tiền thuốc men cho Khang luôn tốn kém, chị Tuyết vẫn quyết không dùng số tiền lời từ mua bán cho sinh hoạt hàng ngày mà muốn để dành riêng, tái đầu tư, mua hàng hóa cho tiệm nhỏ - tâm huyết của nhiều người góp vào - ngày một vững vàng.
NGUYỄN MUỘI