Vấn đề tôn tạo, trang trí Khu du lịch Eo Gió
Eo Gió (thuộc xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) là một eo biển nhỏ được hình thành từ những rặng núi vươn mình ra biển. Nơi đây lượng nắng trong năm rất cao, nên chỉ có các loài cỏ dại, dứa dại, xương rồng sống được. Những năm gần đây Eo Gió được chủ đầu tư xây dựng thêm những hạng mục để khai thác, phục vụ nhu cầu khách du lịch đang ngày một tăng. Thời gian đầu, chủ đầu tư cho xây dựng một con đường ven vách đá, khá đẹp và hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, nhưng gần đây lại trang trí thêm “đồ trang sức” nhân tạo, đó là những chiếc chong chóng nhựa màu mè, lòe loẹt thiếu bền vững trong khu du lịch. Những chiếc chong chóng này sẽ tồn tại được bao lâu với sức gió rất mạnh tại đây? Thay vì tôn tạo cảnh quan tự nhiên, thì nhà quản lý lại để nguyên những loài thực vật trên vách núi từ trước khi khai thác du lịch đến nay mà thiếu sự chăm sóc, nuôi dưỡng. Thực tế cho thấy số lượng thực vật ở đây ngày càng ít dần và chất lượng bị thoái hóa vì tác động của con người. Đơn vị quản lý nên tạo nhiều thảm cỏ, cây để cho khu vực này thêm giá trị hơn với sự kết hợp giữa cây cối, biển, trời và núi.
Những chiếc chong chóng nhựa màu mè, lòe loẹt trang trí trong Khu du lịch Eo Gió.
Như tại đảo Jeju, Hàn Quốc, có những con đường ven biển với cỏ cây tự nhiên vô cùng đẹp, nên thơ và lãng mạn. Thoạt nhìn có thể chúng ta nhầm tưởng rằng, những ngọn cỏ cây ấy không được tác động bởi bàn tay con người. Nhưng thật ra, những cảnh quan có vẻ hoang sơ như vậy, được nhà quản lý đã chăm sóc rất kỹ lưỡng, cây cối luôn tươi xanh dù khí hậu của đảo rất khắc nghiệt. Khi cảnh quan nhân tạo đã hòa cùng tự nhiên, thì vẻ đẹp của thắng cảnh sẽ được tôn lên nhiều lần.
Vẻ đẹp thiên nhiên tại Việt Nam không hề thua kém các nơi khác, thậm chí còn đẹp hơn nếu biết tôn tạo, khai thác đúng cách. Người viết xin góp một số ý kiến với nhà quản lý Khu du lịch Eo Gió, mong muốn tạo thêm cảnh quan thiên nhiên nơi đây được bền vững và hấp dẫn du khách.
1. Cải tạo, đắp thêm nhiều lớp đất mới tại các vách núi, dùng cỏ lông heo (chịu nắng nóng, hạn) để phủ xanh, trồng thêm những loại cây bản địa vốn có như dứa râu (Tillandsia), dứa dại (Pandamus tectorius sol), phát tài núi (Dracaena draco L), những loài cây tí hon chịu được khí hậu khắc nghiệt, sẽ tạo nên những cảnh quan độc đáo mà chỉ ở môi trường núi, biển này mới có.
2. Hạn chế tối đa việc tác động, chèn, thêm những vật thể trang trí giả tạo lên các vách núi. Gỡ bỏ các cây chong chóng không phù hợp và làm giảm giá trị của thắng cảnh.
3. Cần có một đơn vị thiết kế cảnh quan chuyên nghiệp, làm tư vấn, giải quyết những điều nhà quản lý mong muốn, và thực hiện những cách thức trang trí phù hợp với tự nhiên nhất.
4. Nhà quản lý khu du lịch nên giữ một quan điểm thẩm mỹ xuyên suốt, không nên thay đổi cảnh trí thường xuyên theo ngẫu hứng. Vì nếu làm việc không có kế hoạch lâu dài, sẽ dẫn đến tốn kém nhưng hiệu quả không cao và tạo nên hệ quả phản cảm đối với du khách.
TUẤN MỸ