Ngược nguồn về Tây Sơn thượng đạo…
* Ghi chép của VÂN PHI
Tôi vượt đèo An Khê, ngược nguồn về Tây Sơn thượng đạo với tâm thế của một người con Bình Ðịnh, hoài vọng về miền huyền tích xưa…
Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, Tây Sơn thuộc phủ Quy Nhơn, gồm cả phần đất phía Đông và phía Tây đèo An Khê. Phần đất bằng phẳng phía Đông gọi là Tây Sơn hạ đạo (nay thuộc tỉnh Bình Định) và phần phía Tây có địa hình hiểm trở gọi là Tây Sơn thượng đạo (thuộc TX An Khê và các huyện K’Bang, Đắk Pơ, Kông Chro của tỉnh Gia Lai).
Di tích An Khê Trường.
Quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo đánh dấu buổi đầu cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn gồm 17 di tích. Mỗi di tích tôi đặt chân đến đều như còn phảng phất đâu đây tích xưa niềm cũ. Một trong số những điểm di tích quan trọng trong quần thể này là An Khê Trường. Đến đây, thả lòng mình trong một khuôn viên rộng và thoáng, được xem ba hạng mục còn giữ nguyên vẹn đến ngày nay như cổng tam quan, trụ kính thiên mình rồng và bức bình phong có hình kỳ lân, khiến cho người chứng kiến có cảm tưởng mình được xích lại gần hơn với quá khứ. Ba hạng mục này nằm liền kề trước đền thờ, mang ý nghĩa ngăn cách để trừ những tà khí xấu xâm nhập vào đình.
Chính sử cũng có nhiều nguồn sử liệu khác ghi rằng, gọi là An Khê Trường bởi đây là một trạm thu thuế ở mạn ngược thời Chúa Nguyễn, nó còn lại với lịch sử là bởi đây là nơi liên lạc, hội họp của các thủ lĩnh Tây Sơn trong buổi đầu dấy nghĩa. An Khê Trường được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX. Di tích ngày nay là một đền thờ rộng khoảng 100 m2, bên trong thờ các vị tiền hiền, hậu hiền và các vị thần dân gian, và từ năm 2010, có thêm Hoàng đế Quang Trung.
Di tích An Khê Đình.
Cách An Khê Trường chỉ vài trăm mét là An Khê Đình, ngôi đình đầu tiên của người Kinh trên vùng đất Tây Sơn thượng đạo được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII. Đình hướng mặt về phía Nam, nơi có ngọn núi Mò O là chốt canh gác của nghĩa quân Tây Sơn thuở trước. Đình được xây dựng theo kiến trúc kiểu dáng thấp có 2 gian, 4 mái, 4 chái. Bên trên Đình có 2 con rồng chầu mặt trời gọi là lưỡng Long chầu nhật. Đình thờ các vị tiền hiền, hậu hiền và các vị thần dân gian. Đến đây, tôi bị hút vào ba am thờ nhỏ đặt ở trước đền. Sau khi vương triều Tây Sơn khuất bóng, người dân địa phương đặt thêm 3 am thờ này. Các am mang nét kiến trúc truyền thống kết hợp giữa người Kinh và Bana. Phần trụ mang dáng dấp nhà sàn, phần mái mang hình ảnh thu nhỏ ngôi nhà mái chái.
Theo dân gian, 3 am là nơi thờ, tưởng nhớ công đức của ba anh em nhà Tây Sơn của người dân tại địa phương. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long ráo riết trả thù nhà Tây Sơn. Để tránh sự dòm ngó của triều đình nhà Nguyễn, người dân gọi chệch đi là các am thờ ông Hổ, Nhị vị thái tử, Thành hoàng bổn xứ. Nhưng trong tâm thức của người dân nơi đây, đây là nơi thờ, tưởng nhớ công đức của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Đứng trước 3 ngôi am giản dị, tôi chợt nhớ đến nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Xuân Nhân, ông đã từng kể rất nhiều giai thoại về nhà Tây Sơn và được lưu giữ qua tập sách do ông chủ biên, cuốn Văn học dân gian Tây Sơn. Trong sách, có đề cập khá kỹ ở phía Tây Sơn hạ đạo, dân làng Kiên Mỹ (ở huyện Tây Sơn) thờ ba anh em nhà Tây Sơn dưới danh nghĩa là thờ Thành Hoàng tại miếu Vĩnh An. Ngoài việc cúng tế xuân thu nhị kỳ còn làm giỗ ba anh em Tây Sơn vào ngày rằm tháng 11 hàng năm, tức ngày mất của người anh cả Nguyễn Nhạc.
Bảo tàng Tây Sơn thượng đạo.
Ngay gần An Khê Trường và An Khê Đình là Bảo tàng Tây Sơn thượng đạo. Bảo tàng được tỉnh Gia Lai xây dựng từ năm 2007 trong cụm di tích Tây Sơn thượng đạo tại TX An Khê với vai trò lưu giữ và trưng bày những tư liệu, hiện vật của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn ở vùng thượng đạo, đồng thời trưng bày những di sản văn hóa của đồng bào Bana ở Gia Lai cùng các hiện vật thu được trong các cuộc điều tra, khảo sát và khai quật tại các địa điểm Sơ kỳ Đá cũ trên địa bàn An Khê. Đến đây, tôi được nghe thuyết minh về phong trào Tây Sơn từ khi tạo lập căn cứ buổi ban sơ đến khi đại phá hai mươi vạn quân Thanh. Dấu tích xưa còn phảng phất đâu đây một thuở hào hùng, dâng lên trong lòng người con xứ Nẫu niềm kính ngưỡng.
Cạnh TX An Khê, các huyện lân cận còn lưu dấu tích ngày đầu khởi nghĩa Tây Sơn. Đặc biệt là di tích Vườn mít, Cánh đồng cô Hầu ở xã Nghĩa An (huyện K’Bang). Đây được xem là nơi buổi đầu xây dựng nghĩa quân, tích trữ lương thực, chuẩn bị voi chiến, ngựa chiến... Từ vùng Tây Sơn hạ đạo, 3 anh em nhà Tây Sơn đã cùng tướng lĩnh vượt đèo An Khê lên mở căn cứ ở đây. Tại đây, Nguyễn Nhạc đã gặp và lấy một phụ nữ người Bana làm vợ. Theo truyền khẩu, bà mang tên Ya Đố. Còn người Kinh gọi bà là Cô Hầu hay là cô Hầu đốc tướng. Cùng với dân làng, Ya Đố đã tìm đất khai hoang trong nhiều tháng trời, tạo thành cánh đồng rộng hơn 20 ha trồng lúa. Cánh đồng đó ngày nay vẫn mang tên cánh đồng Cô Hầu. Diện tích cánh đồng theo thời gian đã dần thu hẹp lại. Nhưng tấm lòng của hậu thế vẫn mãi dang mở với niềm kính vọng về lịch sử hào hùng của cha anh.
Còn nhiều các di tích khác về nhà Tây Sơn như Miếu Xà - Thờ thần rắn (TX An Khê), Kho tiền, Nền nhà, Hồ nước Nguyễn Nhạc (huyện Kông Chro), Ghế đá ông Nhạc (huyện Đắk Pơ)… Cũng thật tiếc, có những di tích đã xuống cấp, rất đáng báo động.
***
Qua nhiều địa chỉ thấm đẫm dấu ấn thời gian, dấu xưa còn đó như phảng phất tráng khí hào hùng của ba anh em nhà Tây Sơn cũng như sức mạnh gắn kết cộng đồng trong buổi đầu dựng cờ khởi nghĩa. Chính từ vùng đất bên kia đèo, anh em nhà Tây Sơn đã khởi tạo những ấn chứng đầu tiên làm đà cho các công tích lẫy lừng sau này. Địa giới hành chính và các hành thức quản lý từ xưa tới nay chưa bao giờ tách An Khê ra khỏi Bình Định. Từ thẳm sâu hồn người, An Khê là một phần của cuống rốn xứ Nẫu yêu thương, tôi xuôi về phía biển và thêm tin vào những lời kể của dân gian.