Phòng ngừa dị tật mắt ở trẻ em
Các bệnh dị tật mắt bẩm sinh thường gặp như: sụp mi bẩm sinh, lác, tắc ống lệ bẩm sinh, quặm bẩm sinh, đục thể tinh bẩm sinh. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Phượng (Bệnh viện Mắt tỉnh) hầu hết các dị tật mắt ở trẻ em ngày nay đều có thể điều trị đạt kết quả rất tốt, nếu phát hiện sớm.
Sụp mi: Bình thường mi trên che qua vùng rìa giác mạc (ranh giới giữa lòng trắng và lòng đen) phía trên khoảng 2 mm. Nếu vượt quá giới hạn đó là sụp mi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời chứng sụp mi, trẻ em có thể bị nhược thị do tầm nhìn bị che lấp, mắt có thể bị lác, hậu quả là làm giảm thị lực, ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt.
Lác: là hiện tượng lệch trục nhãn cầu, 2 mắt không nằm trên một đường thẳng, 2 mắt nhìn theo 2 hướng khác nhau và bị nhìn 2 hình dẫn đến chức năng thị giác không tương đồng, ảnh hưởng thẩm mỹ, gây nhược thị. Bởi vậy, bất cứ trẻ từ 1 tháng tuổi trở lên xuất hiện lác cần phải coi là nghiêm trọng và phải được đưa đi khám ngay. Thời gian điều trị lác càng sớm càng tốt vì sẽ rút ngắn được thời gian, tăng cường hiệu quả điều trị và nâng cao cơ hội phục hồi thị giác 2 mắt.
Tắc ống lệ bẩm sinh: là khi hệ thống dẫn lưu nước mắt bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn. Khi đó nước mắt không còn thoát được xuống mũi như bình thường và sẽ gây ra triệu chứng chảy nước mắt sống, kích thích hoặc làm cho mắt bị nhiễm trùng mạn tính. Vì vậy, triệu chứng thường gặp là chảy nước mắt. Nếu quá trình tắc kéo dài, nước mắt bị ứ đọng tại túi lệ có thể gây ra nhiễm khuẩn tại tuyến lệ. Tắc lệ đạo có thể gây viêm nhiễm, đau nhức..., nếu để lâu sẽ dẫn tới những biến chứng. Khi trẻ bị bệnh, cần đưa trẻ đến khám tại chuyên khoa mắt.
Quặm mi: là hiện tượng bờ mi bị lộn vào trong, đẩy hàng lông mi cọ sát vào giác mạc. Trẻ từ khi sinh ra đã gặp hiện tượng này và có thể tiến triển ngày càng nặng thêm nếu như không được điều trị kịp thời, thậm chí có thể gây loét giác mạc, để lại sẹo, ảnh hưởng đến thị lực. Khi trẻ bị quặm mi thường hay khó chịu và dụi mắt, chảy nước mắt gây viêm kết mạc, nặng hơn là viêm loét giác mạc để lại sẹo gây giảm thị lực. Khi trẻ có các biểu hiện bất thường như hay dụi mắt, chảy nước mắt cần đưa trẻ đến các cơ sở nhãn khoa để được khám và điều trị.
Đục thủy tinh bẩm sinh: Nếu bị đục thủy tinh bẩm sinh, mắt trẻ sẽ có ánh hồng, khi chiếu đèn vào soi, sẽ thấy có ánh trắng trong mắt. Việc phát hiện sớm có thể giúp trẻ phục hồi được những tổn thương. Nếu điều trị muộn sẽ không phục hồi được.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)