Ðảm bảo an toàn chạy thận nhân tạo
Sau sự cố chạy thận nhân tạo tại một số cơ sở y tế ở các tỉnh: Hòa Bình, Nghệ An, Thái Bình, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh siết chặt hơn công tác giám sát, thực hiện nghiêm quy trình chạy thận, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Hiện, Bình Định chỉ có 2 đơn vị triển khai thận nhân tạo: BVĐK tỉnh và Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa.
Ê kíp trực khoa Nội thận - Lọc máu (BVĐK tỉnh) theo dõi bệnh nhân chặt chẽ trước, trong và sau lọc máu.
Rà soát các khâu, quy trình
Khoa Nội thận - Lọc máu (BVĐK tỉnh) hiện có 58 máy chạy thận nhân tạo cho hơn 380 bệnh nhân, đây là cơ sở chạy thận lớn nhất tỉnh. Theo bác sĩ Nguyễn Dũng, Trưởng khoa, để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân, giao ban mỗi sáng, khoa đã yêu cầu tất cả bác sĩ và 2 kíp điều dưỡng giám sát chặt chẽ toàn bộ quá trình chạy thận của bệnh nhân. Đồng thời, kiểm tra kỹ toàn bộ máy móc, thiết bị; thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong chạy thận. Khoa cũng mời chuyên gia Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) hỗ trợ đào tạo thận nhân tạo cho tất cả bác sĩ, điều dưỡng.
“Các cơ sở chạy thận nhân tạo phải tuân thủ đúng quy định hướng dẫn quy trình kỹ thuật thận nhân tạo do Bộ Y tế ban hành; quy định kiểm soát nhiễm khuẩn; tiếp tục rà soát, bổ sung để hoàn thiện các điều kiện một cách tốt nhất. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chạy thận nhân tạo, đảm bảo an toàn cho người bệnh. Sở sẽ tiếp tục triển khai chạy thận nhân tạo ở BVÐK Khu vực Bồng Sơn khi đảm bảo bác sĩ, cơ sở, thiết bị”.
Giám đốc Sở Y tế LÊ QUANG HÙNG
“Sau sự cố y khoa ở các đơn vị bạn, khoa yêu cầu nhân viên y tế thực hiện nghiêm ngặt các quy trình về con người, máy móc, trang thiết bị trước, trong và sau khi chạy thận. Đặc biệt chú trọng về nguồn nước RO - nguyên nhân chính dẫn tới sự cố ở các địa phương thời gian qua”, bác sĩ Nguyễn Dũng cho hay.
Đặc biệt, để đảm bảo an toàn trong chạy thận nhân tạo, hướng tới việc cung cấp nguồn nước RO đạt tiêu chuẩn, trong tháng 8.2019 BVĐK tỉnh đã kiểm tra toàn diện tình trạng thiết bị đang sử dụng trong phục vụ điều trị bệnh nhân tại khoa Nội thận - Lọc máu. Bệnh viện đã mời những đơn vị có kinh nghiệm thiết kế hệ thống nước RO ở các bệnh viện lớn trong cả nước để khảo sát, thực hiện trong thời gian tới với một loạt yêu cầu được siết chặt, đặc biệt thay 2 bồn chứa RO theo đúng tiêu chuẩn bồn inox, có đáy hình phễu, phin lọc khuẩn; cải tạo hệ thống súc rửa màng sạch; thiết lập quy định súc rửa hệ thống nước RO hàng tháng bằng hóa chất, thay hệ thống đường ống nước RO cho các máy chạy thận 5 năm/lần. Bệnh viện cũng cho mua các thiết bị để kiểm chuẩn chất lượng máy chạy thận; kiểm tra chống nhiễm khuẩn và lấy mẫu xét nghiệm nước định kỳ kiểm tra vi sinh và nồng độ nội độc tố; trang bị 4 loại test hóa chất tồn dư trong đường ống RO…
“Bệnh viện đã chỉ đạo các khoa, phòng liên quan rà soát lại quy trình chạy thận. Việc tập huấn, kiểm tra, kiểm soát quy trình chuyên môn tiến hành thường xuyên, với tiêu chí đảm bảo chất lượng phục vụ bệnh nhân tốt nhất, hạn chế xảy ra sai sót đến mức tối đa”, Giám đốc BVĐK tỉnh Hồ Việt Mỹ nhấn mạnh.
Không riêng BVĐK tỉnh, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (mới triển khai thận nhân tạo cho bệnh nhân tháng 8.2019) cũng đặc biệt chú trọng quy trình chạy thận. Bệnh viện đã đào tạo ê kíp 2 bác sĩ, 6 điều dưỡng tại Trường ĐH Y dược Huế và các bệnh viện có khoa thận nhân tạo. “Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục nhận hỗ trợ liên tục từ các chuyên gia lĩnh vực thận nhân tạo của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và BVĐK tỉnh Bình Định”, Giám đốc Bệnh viện Vũ Tuấn Anh chia sẻ.
BVĐK tỉnh quá tải bệnh nhân chạy thận.
Càng quá tải, càng phải đảm bảo an toàn
Hiện nay, do Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa mới chạy 3 máy chạy thận cho rất ít bệnh nhân, BVĐK tỉnh “nặng gánh” khi chạy thận cho cả bệnh nhân trong tỉnh và các tỉnh lân cận, với 10% bệnh nhân hiện có đến từ các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Phú Yên… Với tần suất mỗi bệnh nhân chạy thận 2 - 3 đợt/tuần, khoa tổ chức chạy 3 - 5 ca/ngày trong 6 ngày/tuần. Hệ thống máy chạy hết công suất, theo đó cả các bác sĩ cùng điều dưỡng cũng quá tải.
Cử nhân Nguyễn Thùy Lam, Điều dưỡng trưởng khoa Nội thận - Lọc máu cho biết: Càng hoạt động hết công suất, máy càng mau hư hỏng. Gần như cả 58 máy chạy thận của khoa đều phải hoạt động liên tục, phải đẩy tua chạy thận đến khuya mới xong vì bệnh nhân luôn chực chờ. Ê kíp trực luôn phải theo dõi trong suốt ca lọc máu, từ lúc bệnh nhân bắt đầu đến khi rời khỏi máy; sau đó vẫn phải tiếp tục theo dõi đảm bảo sức khỏe bệnh nhân ổn định, xác nhận bệnh nhân an toàn chúng tôi mới yên tâm.
Điều trị hơn 3 năm tại khoa, bệnh nhân P.V.M (TP Quy Nhơn) cho biết: “Trước khi vào chạy thận, tôi được các bác sĩ khám sức khỏe rất kỹ. Qua 3 năm chạy thận, tôi chưa gặp phải sự cố nào”.
Bác sĩ Nguyễn Dũng khẳng định: “Càng quá tải càng phải cẩn trọng đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Những sự cố chạy thận nhân tạo ở các bệnh viện tỉnh bạn thời gian qua là những bài học để chúng tôi nhắc nhở thường xuyên nhân viên phải cẩn thận, liên tục siết chặt, củng cố và hoàn thiện từng bước 52 quy trình cơ bản trong chạy thận nhân tạo của Bộ Y tế theo điều kiện thực tế bệnh viện”.
MAI HOÀNG