Nghệ sĩ sân khấu vui hội ngộ
Mười năm trước, ngày 12.8 âm lịch hàng năm được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Ngày Sân khấu Việt Nam. Năm nay, nhân kỷ niệm 10 năm Ngày Sân khấu Việt Nam, Chi hội sân khấu Việt Nam tại Bình Ðịnh và Hội VHNT tổ chức đêm biểu diễn tại Ðền thờ Ðào Tấn, đây được xem là hoạt động thiết thực tri ân tổ nghiệp, tri ân công chúng của nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên.
Trích đoạn Trưng Nữ Vương đề cờ khởi nghĩa với NSND Phương Thảo thủ vai Trưng Trắc.
Tối 8.9 (tức ngày 10.8 âm lịch), chương trình biểu diễn nhân kỷ niệm 10 năm Ngày Sân khấu Việt Nam diễn ra trong sự háo hức của người dân, nhiều người bảo nhau “Toàn nghệ sĩ hạng… thượng đẳng, không đi mất quyền lợi ngàn năm có một”. Không phụ lòng mong đợi, 6 trích đoạn được biểu diễn phục vụ khán giả, gồm: Quan Công phò nhị tẩu; Rủ nhau đi đánh bài chòi; Tam anh chiến Lữ Bố; Vì nước quên thân; Tiết Cương - Lan Anh về trại; Trưng Nữ Vương đề cờ khởi nghĩa đã thật sự lôi cuốn người xem đến phút cuối cùng.
Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Nguyễn Thị Hòa Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội sân khấu Việt Nam tại Bình Định, nguyên Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn, cho biết: Đây là dịp gặp mặt của toàn bộ nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên và dịp hội ngộ trong ngày hội của nghề. Chương trình biểu diễn vừa thể hiện sự tri ân với tổ nghiệp, vừa là bày tỏ lòng biết ơn chân thành của chúng tôi với công chúng đã cổ vũ, động viên các thế hệ nghệ sĩ tiếp bước giữ nghề.
Theo đó, hội ngộ tại đêm biểu diễn, các nghệ sĩ, diễn viên đã về hưu, nghệ sĩ chuyên nghiệp không chuyên của cả 2 loại hình nghệ thuật tuồng và bài chòi được dịp gặp gỡ, thăm hỏi và là đứng trên một sân khấu để phục vụ khán giả. Đặc biệt, tại sân khấu, người xem có thể thấy rõ sự tiếp nối của các lớp nghệ sĩ, từ những nghệ sĩ gạo cội như: Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Minh Đức, NSND Phương Thảo, Nghệ nhân Ưu tú Tuyết Mai... đến các diễn viên trẻ như Bích Lĩnh, Sử Thành Việt. Tất cả đều bùng cháy tình yêu với nghề, nỗ lực đem đến khán giả những phần diễn mãn nhãn, mãn nhĩ.
“Hôm nay được biểu diễn cùng với nhiều anh chị nghệ sĩ, nghệ nhân cùng nhiều các diễn viên trẻ, cá nhân tôi vô cùng hạnh phúc. Thật lòng không dễ gì có được cuộc sum vầy ấm áp và nhiều cảm xúc như thế này. Tôi cũng mong lớp trẻ cố gắng học hỏi nhiều hơn để tuồng và bài chòi được duy trì và phát triển” - NNND Minh Đức chia sẻ.
Đêm biểu diễn không chỉ có niềm vui, đến với ngày hội của mình, các nghệ sĩ còn trăn trở với nghề. “Tôi thật sự tự hào khi được biểu diễn tại đất của cụ hậu tổ tuồng. Có thể đối với lớp trẻ, tuồng không chuyên thật khó để theo bền nhưng với tôi tuồng đã là máu thịt, gắn bó, ngày nào không diễn, không lên sân khấu là ngày đó nhớ đau đáu” - Nghệ nhân Ưu tú Kim Chung bày tỏ.
Bên cạnh tài năng của các nghệ sĩ, đêm biểu diễn thành công có lẽ còn nhờ vào việc được tổ chức tại Đền thờ Đào Tấn. NSND Hòa Bình chia sẻ: “Sân khấu là phải có khán giả chứ sân khấu mà không có khán giả thì mất đi ý nghĩa. Do vậy Ban tổ chức cũng đã đắn đo khi chọn địa điểm tổ chức và chúng tôi chọn ở Đền thờ Đào Tấn để bên cạnh việc anh em nghệ sĩ có được hội ngộ còn là dịp để dâng hương lên cụ hậu tổ của nghệ thuật tuồng, và đặc biệt là được gần gũi với khán giả nơi đây. Qua đó, hoạt động kỷ niệm Ngày sân khấu Việt Nam mới thật sự ý nghĩa và đó cũng là niềm vui của các nghệ sĩ”.
Bà Lê Thị Sáu (60 tuổi, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước), vui vẻ bày tỏ: “Lần đầu tôi được xem tuồng và bài chòi cùng một lúc. Và đặc biệt là trong một đêm lại được xem nhiều nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn trên cùng một sân khấu. Thật sự đêm diễn rất hay nhưng cũng thật tiếc vì chỉ có một đêm”.
Bên cạnh tổ chức đêm biểu diễn, nhân dịp kỷ niệm Ngày sân khấu Việt Nam, các nghệ sĩ của Chi hội sân khấu Bình Định còn tổ chức thăm hỏi tri ân các nghệ sĩ quá cố, các nghệ sĩ tuổi cao sức yếu ở TP Quy Nhơn đã có những đóng góp đối với sự phát triển của 2 loại hình nghệ thuật tuồng và bài chòi.
THẢO KHUY