“Nóng” với nhân lực ngành Y tế
Bác sĩ ở xã và “chảy máu” nguồn nhân lực là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong đợt giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh về “Tình hình thực hiện Nghị quyết số 08/2008/NQ-HĐND ngày 22.8.2008 của HĐND tỉnh về Quy hoạch phát triển hệ thống y tế tỉnh Bình Định đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020”.
Vai trò của bác sĩ tại trạm y tế là quan trọng, nhưng không phải trạm nào cũng cần bác sĩ.
- Trong ảnh: Bác sĩ Đỗ Thế Phong khám bệnh cho người dân tại Trạm Y tế xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh.
Không phải trạm nào cũng cần bác sĩ
Bác sĩ công tác tại các trạm y tế xã chủ yếu khám, điều trị những bệnh thông thường với trang thiết bị y tế cơ bản. Theo Sở Y tế, số xã hiện có bác sĩ công tác là 152 (đạt 95,6%). Vì lượng bác sĩ tại chỗ chỉ là 133, nên thời gian qua, ngành Y tế tiếp tục thực hiện chính sách điều động, tăng cường bác sĩ về công tác tại các trạm còn thiếu để nâng cao chất lượng hoạt động. Bên cạnh đó, để có nguồn lực ổn định và công tác lâu dài tại trạm, trong giai đoạn 2008-2012, ngành đã cử 11 viên chức trình độ y sĩ của các trạm đi đào tạo bác sĩ và 11 bác sĩ đào tạo sau đại học.
“Bác sĩ cử đi học chuyên khoa, cao học ở Hà Nội, Huế thì về tương đối đầy đủ. Còn đi học ở TP Hồ Chí Minh thì chưa đầy năm đã có việc làm ở nơi khác, chủ yếu là các cơ sở y tế tư nhân”
Bác sĩ NGUYỄN VĂN CANG - Giám đốc Sở Y tế
Từng có nhiều năm gắn bó với ngành Y tế, ông Mai Văn Ngọc, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tuy Phước, cho rằng bác sĩ ở xã rất quan trọng. “Trong điều kiện các trạm y tế còn thiếu nhân lực, việc điều động bác sĩ từ trung tâm y tế huyện về xã là cần thiết. Tuy nhiên, chỉ bác sĩ “cắm” tại trạm mới am hiểu mô hình bệnh tật của người dân địa phương, cả trình độ dân trí. Từ đó, họ sẽ giải quyết được nhiều vấn đề của y tế cơ sở, góp phần giảm tải ở tuyến trên”, ông Ngọc phân tích.
Còn ông Dương Tấn Sinh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, thành viên Ban Văn hóa - Xã hội, đặt vấn đề: “Thực trạng bác sĩ ở tuyến xã còn đáng lo ngại. Số bác sĩ luân chuyển còn lớn. 1 tuần các bác sĩ ở huyện xuống xã mấy lần? Khám được mấy buổi? Hoạt động này có được quản lý chặt không?”.
Đáp lại các ý kiến trên, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Cang cho rằng, với điều kiện hiện nay, trạm y tế chưa thể hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ như yêu cầu của người dân, không phải bệnh nào cũng chẩn đoán - phát hiện được và trị khỏi. Hoạt động của trạm chủ yếu là khám theo chương trình, thực hiện công tác dự phòng, dân số. Bên cạnh đó là tư vấn về bệnh tật và sơ cấp cứu ban đầu. Thông thường, bác sĩ là trưởng trạm, mỗi tháng cũng đi họp 5-7 lần, không thể trực ở trạm 24/24, nên không thể lúc nào cũng khám bệnh được.
“Lãnh đạo Bộ Y tế cũng từng bày tỏ quan điểm, không phải trạm nào cũng nhất thiết phải có bác sĩ. Ở tỉnh ta, như các trạm ở trung tâm TP Quy Nhơn, gần các cơ sở y tế lớn, bố trí mỗi trạm một bác sĩ là lãng phí”, bác sĩ Cang chia sẻ.
Cần sớm thực hiện chế độ thu hút và giữ chân nhân lực trình độ cao cho ngành Y tế.
- Trong ảnh: Các bác sĩ BVĐK khu vực Bồng Sơn thực hiện phẫu thuật.
Thu hút, giữ chân bác sĩ
Lâu nay, tình trạng bác sĩ bỏ việc vẫn là nỗi nhức nhối của ngành Y tế. Ông Mai Văn Ngọc cho biết, tình trạng “chảy máu” bác sĩ không chỉ xảy ra ở tuyến tỉnh, mà còn ở cả tuyến xã. “Thời gian gần đây, không chỉ các bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II, các thạc sĩ mà cả bác sĩ ở các trạm y tế cũng bỏ việc. Cũng vì lợi ích kinh tế cả thôi, bởi nhiều nơi người ta cho “tạm ứng” hẳn 200 triệu đồng, mức lương cao gấp đôi gấp ba ở mình, còn tính chuyện bố trí đất đai, nhà ở. Vì thế, nhiều người cứ bỏ ngang, không cần làm hồ sơ, thủ tục chuyển công tác”, ông Ngọc lo ngại.
Cùng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Văn Cang cho rằng, thực trạng bác sĩ bỏ việc xuất phát từ cơ chế thị trường. Bác sĩ Cang phân tích: “Bác sĩ cử đi học chuyên khoa, cao học ở Hà Nội, Huế thì về tương đối đầy đủ. Còn đi học ở TP Hồ Chí Minh thì chưa đầy năm đã có việc làm ở nơi khác, chủ yếu là các cơ sở y tế tư nhân. Họ rất cần các bác sĩ để đủ bộ khung cán bộ theo quy định, còn việc “mổ xẻ” thì đã có lực lượng giáo sư, bác sĩ ở các bệnh viện lớn”.
Trong các buổi giám sát, lãnh đạo các cơ sở khám, chữa bệnh và các địa phương đều kiến nghị HĐND tỉnh và UBND tỉnh ban hành chế độ ưu đãi nhằm thu hút và giữ chân nguồn nhân lực trình độ cao. Các thành viên Ban Văn hóa - Xã hội đều nhất trí với đề xuất này, và khẳng định, dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, nhưng vẫn phải cố gắng bố trí kinh phí để sớm ban hành và thực hiện các chế độ đãi ngộ.
Cần chấn chỉnh y đức
Tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ y bác sĩ là một vấn đề không mới, nhưng vẫn được nhiều đại biểu HĐND tỉnh quan tâm. Ông Cao Văn Bình, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, thành viên Ban Văn hóa - Xã hội, bày tỏ: “Người mang bệnh thì tâm lý không còn được “bình thường”, thường tủi thân, dễ bực mình, nên đối xử với họ càng phải nhẹ nhàng hơn”.
Chia sẻ với những khó khăn của ngành Y tế trong điều kiện nhân lực thiếu thốn, áp lực công việc lớn, nhưng Trưởng ban Văn hóa - Xã hội Huỳnh Thúy Vân vẫn mong muốn các y bác sĩ cố gắng đối xử tốt với bệnh nhân, giữ hình ảnh của ngành trong mắt người dân. “Cơ sở y tế nào càng quá tải thì càng dễ xảy ra những chuyện này chuyện nọ trong giao tiếp với bệnh nhân và người nhà. Qua các đợt tiếp xúc cử tri, bị “ý kiến” nhiều nhất vẫn là BVĐK tỉnh”, bà Vân cho hay.
Về vấn đề này, Giám đốc BVĐK tỉnh Hồ Việt Mỹ thừa nhận, trong quá trình thực hiện quy tắc ứng xử, đa số cán bộ, viên chức có tinh thần thái độ phục vụ tốt đối với người bệnh và người nhà; tuy nhiên, từng lúc, từng nơi vẫn còn một số ít người vi phạm. Gần đây, Bệnh viện đã xử lý 2 điều dưỡng, 1 bác sĩ vi phạm quy tắc ứng xử, hạ mức hưởng phụ cấp, điều các điều dưỡng sang khoa không tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
“Thời gian tới, Bệnh viện sẽ siết chặt quy định đeo bảng tên trong giờ làm việc, để người dân phản ánh chính xác các y bác sĩ vi phạm quy tắc ứng xử. Khi ngành có văn bản chính thức, chúng tôi cũng sẽ triển khai lập đường dây nóng ở cấp khoa để tiếp nhận kịp thời ý kiến của bệnh nhân và người nhà”, bác sĩ Hồ Việt Mỹ thông tin thêm.
NGUYỄN VĂN TRANG
Giám đốc BVĐK tỉnh Hồ Việt Mỹ thừa nhận, trong quá trình thực hiện quy tắc ứng xử, đa số cán bộ, viên chức có tinh thần thái độ phục vụ tốt đối với người bệnh và người nhà; tuy nhiên, từng lúc, từng nơi vẫn còn một số ít người vi phạm.