Mật ngôn của tình yêu
Đó là tên một tập thơ của nữ thi sĩ Lê Khánh Mai, do NXB Hội nhà văn vừa ấn hành. Từ lâu Lê Khánh Mai là một cây bút nữ được đông đảo người yêu văn học biết đến với những tác phẩm văn học khá đa dạng: Thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận phê bình…
Mật ngôn của tình yêu, tập thơ thứ 7 của Lê Khánh Mai gồm 50 bài, mỗi bài có ngôn ngữ riêng, tín hiệu riêng. Đáng lưu ý, nhiều bài trong tập thơ là “mật ngôn của tình yêu”… Hãy xem Lê Khánh Mai giới thiệu về Mật ngôn của tình yêu: “Nước mắt đọng bờ mi hạnh ngộ/em như cây khô vừa nhú lộc non/đêm chưa tàn/tri kỷ ơi nán lại cùng em/nhấm nháp ly cà phê ấm nóng/em đắm đuối ngắm hình bóng anh qua làn khói mỏng/hạnh phúc giờ đây còn lại chút này thôi/mà ràng rịt, đan bện nhau muôn kiếp/như mật ngôn của tình yêu, chỉ riêng em biết”…
Nhà thơ Lê Khánh Mai sinh năm 1954; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Nguyên Chủ tịch Hội VH&NT tỉnh Khánh Hòa (2004 - 2009); Ủy viên Ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam (2005 - 2010); Giải thưởng 25 năm Văn học tỉnh Khánh Hòa
(1975 - 2000); Giải thưởng Thơ Khánh Hòa 2001; Giải thưởng Thơ Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VH&NT Việt Nam 2005.
Hay như một dạng “mật ngôn” khác lạ: “em yêu anh/tự cân bằng trên sợi dây mong manh bất trắc/những trò yêu làm xiếc/những trò ghen đỏng đảnh mù lòa/em đã thôi đuổi bắt những cơn mơ/đã không còn đam mê nước mắt/đã thấu thị cuộc đời gồm những nốt trắng, nốt đen trong bản nhạc/và hát lên với tất cả vui buồn” (Em yêu anh)
“Mật ngôn tình yêu” trong thơ Lê Khánh Mai không phải chỉ dành riêng cho tình yêu lứa đôi, mà còn là tình yêu quê hương, đất nước, yêu thiên nhiên, tình yêu giữa người với người… Hãy nghe “mật ngôn” của lá: “níu ngày, ngày ngả vào đêm/níu đêm, đêm hẹn với thềm nắng mai/thời gian bội bạc đơn sai/ mang mang tiếng lá thu phai trở mình/ đã xong duyên nợ ba sinh/ bão mưa sao vẫn rập rình giăng mây” (Tiếng lá trở mình). Hay như “mật ngôn” đối với quê hương, đất nước: “hòa bình đã thật sự chưa? câu hỏi nhói lòng/láng giềng phương Bắc vẫn ngày đêm rình rập/chiếm biên giới đất liền và lãnh hải thiêng liêng/không chịu sống quỳ, máu Việt Nam đâu dễ nguôi yên”. (Ba mươi tháng tư)…
Đối với thơ, nữ thi sĩ Lê Khánh Mai quan niệm: “Thơ là nước mắt, tiếng kêu, lời tự thú, sự cứu rỗi, nỗi uẩn ức tiền kiếp và niềm ký thác với muôn sau; là vẻ đẹp của tình yêu, ánh sáng trí tuệ và thế giới tâm linh, được biểu đạt bằng ngôn ngữ giàu tín hiệu thẩm mỹ...”. Thật vậy, có thể nói, Mật ngôn của tình yêu không chỉ ghi dấu bước tiến của Lê Khánh Mai về thi pháp và ngôn ngữ thơ, mà còn xác định vị trí của nữ thi sĩ trên thi đàn Việt.
VIẾT HIỀN