Các tỉnh duyên hải miền Trung:
Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển KT-XH
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Vùng duyên hải miền Trung (VDHMT) do Ban Điều phối VDHMT và UBND TP Đà Nẵng vừa phối hợp tổ chức ở TP Đà Nẵng, nhiều vấn đề về tăng cường liên kết, hợp tác phát triển KT-XH các tỉnh DHMT đã được đề cập. Dưới đây là nội dung phỏng vấn ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư-Phát triển Việt Nam (BIDV), Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Nghiên cứu phát triển miền Trung (NCPTMT) - quanh vấn đề này.
* Thưa ông, xuất phát từ lý do gì mà BIDV có sáng kiến hình thành chuỗi liên kết phát triển VDHMT? Kết quả hoạt động mô hình liên kết Vùng trong 2 năm qua?
+ VDHMT nằm ở vị trí trung độ của đất nước, trên trục giao thông Bắc - Nam nối liền 2 vùng kinh tế phát triển nhất cả nước, là mặt tiền của vùng Tây Nguyên và Đông Bắc Campuchia, Nam Lào. Đây là một lợi thế rất lớn để vùng giao lưu phát triển kinh tế với các tỉnh thành trong nước và quốc tế. Nhằm gắn kết sự phát triển KT-XH các tỉnh DHMT, phát huy được tiềm năng và thế mạnh của Vùng, cách đây gần 2 năm, tại buổi gặp mặt giữa lãnh đạo các tỉnh DHMT do lãnh đạo TP Đà Nẵng chủ trì, BIDV đã đề xuất sáng kiến liên kết phát triển giữa các địa phương trong Vùng.
Quan điểm liên kết:
- Liên kết bình đẳng, các bên cùng có lợi trên cơ sở khai thác và phát huy tiềm năng và thế mạnh, đặc thù của từng địa phương và toàn Vùng để cùng phát triển.
- Liên kết trên tinh thần tự nguyện của các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp (DN); có bước đi thích hợp, theo từng giai đoạn, mục tiêu cụ thể trên cơ sở lựa chọn những nội dung, lĩnh vực thiết thực, trọng điểm cho sự phát triển KT-XH của các địa phương và toàn Vùng.
- Nội dung liên kết được xây dựng thành các dự án, chương trình cụ thể và có mục tiêu rõ ràng, thời gian triển khai, kinh phí, đơn vị và đối tác thực hiện.
Mục tiêu liên kết:
Khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và toàn Vùng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và phát triển bền vững. Phát triển mạnh các ngành công nghiệp (CN) và dịch vụ, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển các ngành CN có hàm lượng kỹ thuật cao, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, có tầm cỡ khu vực và quốc tế; ưu tiên phát triển kinh tế biển, góp phần tạo việc làm, nâng cao mức sống và trình độ dân trí cho các tầng lớp dân cư.
Trong những năm trước mắt, ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu, có tính khả thi cao như: phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ liên tỉnh; hạ tầng và sản phẩm du lịch (DL); kinh tế biển và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ kinh tế biển; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nhân lực phục vụ phát triển DL; phân công, chuyên môn hóa sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, đầu tư… nhằm tạo lập không gian kinh tế thống nhất toàn Vùng để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế…
Sáng kiến hình thành chuỗi liên kết đã chính thức được thực hiện bởi việc thành lập Ban Điều phối Vùng với thành viên là Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong Vùng; thành lập Quỹ NCPTMT để tài trợ cho các hoạt động liên kết Vùng. Đặc biệt đã mời các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, quản lý hàng đầu, kiến tạo hình thành Tổ tư vấn phát triển Vùng nhằm tham mưu, tư vấn, hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH của Vùng một cách hài hòa, cân bằng, cùng có lợi.
Từ tháng 7.2011 đến nay, Vùng đã tổ chức thành công 4 hội thảo/hội nghị, tọa đàm: “Liên kết phát triển 7 tỉnh DHMT” (tổ chức ngày 15.7.2011 tại Đà Nẵng); tọa đàm chuyên đề DL (tháng 11.2011 tại Hà Nội); “Liên kết đào tạo nguồn nhân lực các tỉnh DHMT” (tháng 4.2012, tại Huế); “Kinh nghiệm thu hút đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp các tỉnh DHMT” (tháng 8.2012 tại Quy Nhơn - Bình Định).
* Theo ông, những thế mạnh nổi bật của mô hình liên kết Vùng là gì, định hướng hoạt động trong thời gian tới?
+ Với một mô hình thông thoáng, năng động, không mang tính hành chính áp đặt từ Ban Điều phối vùng, Tổ Tư vấn vùng, Quỹ NCPTMT đã thực sự là một tổ chức xã hội tự nguyện, có tác dụng tích cực, đóng góp quan trọng, là nhân tố, động lực cho phát triển Vùng, đưa kinh tế DHMT tăng trưởng và phát triển bền vững.
Về kế hoạch hoạt động trong các năm 2013 và 2014: Tổ chức Hội thảo khoa học Phát triển các sản phẩm DL đặc thù các tỉnh DHMT tại TP Nha Trang vào tháng 6.2013 cùng với dịp Lễ hội Festival Biển Nha Trang 2013. Triển khai các hoạt động hỗ trợ liên kết phát triển DL các tỉnh DHMT giữa các DN DL; liên kết đào tạo nguồn nhân lực các tỉnh DHMT; liên kết phát triển các khu CN, khu kinh tế trong Vùng. Phối hợp với BIDV, Quỹ NCPTMT tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư VDHMT theo từng chuyên đề, ưu tiên các lĩnh vực DL, CN, hạ tầng. Phối hợp với Quỹ NCPTMT hoàn thành 4 đề tài khoa học về liên kết phát triển VDHMT.
Tổ chức 2 Hội thảo khoa học tiếp theo trong năm 2014 với chủ đề do các địa phương (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận) đăng cai tổ chức. Xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất VDHMT và cập nhật thông tin trên Cổng thông tin điện tử VDHMT.
* Trong các kết quả đạt được của liên kết Vùng, có thể nhìn nhận vai trò của BIDV, ông đánh giá như thế nào về vai trò đóng góp của BIDV?
+ Với vai trò và trách nhiệm của một định chế tài chính hàng đầu của Việt Nam, đồng thời là sáng lập Quỹ NCPTMT, BIDV đã có những đóng góp tích cực, chủ động, có hiệu quả đối với sự phát triển KT-XH của Vùng nói chung và phát triển DL nói riêng, thể hiện ở 3 giác độ chính: Tư vấn, tham mưu cho lãnh đạo các địa phương của Vùng trong việc hoạch định chính sách phát triển KT-XH; đồng thời là người tổ chức, thực thi triển khai các chương trình cụ thể; chủ động, tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển KT-XH Vùng.
Với sáng kiến về việc hình thành chuỗi liên kết Vùng, BIDV đã tích cực thúc đẩy sự hợp tác, liên kết Vùng thông qua các hoạt động: phối hợp với các địa phương trong Vùng tổ chức hội nghị, hội thảo về liên kết phát triển Vùng; sáng lập và trực tiếp tham gia vào Quỹ NCPTMT; kêu gọi và vận động một số DN đóng góp kinh phí đảm bảo cho Quỹ hoạt động.
Qua gần 2 năm triển khai liên kết phát triển Vùng đã đạt được kết quả quan trọng đáng ghi nhận, nhưng kết quả lớn nhất và trên hết, đó là sự đồng thuận, thống nhất, tự nguyện, tự giác, với nguyên tắc cùng đồng hành, chia sẻ trách nhiệm và với phương châm “win win - cùng thắng” giữa lãnh đạo các địa phương trong liên kết phát triển, phát huy những tiềm năng thế mạnh của Vùng.
* Dưới giác độ chuyên gia tài chính ngân hàng, ông có đề xuất gì về Chiến lược phát triển KT-XH của toàn Vùng?
+ Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của các tỉnh đến năm 2020, dưới giác độ của một định chế tài chính hàng đầu, BIDV cho rằng cần thiết phải xây dựng một Kế hoạch chiến lược phát triển KT-XH của toàn Vùng, với mục tiêu xây dựng, thiết lập các cơ chế, chính sách liên kết phát triển Vùng hiệu quả; tạo dựng thương hiệu, hình ảnh và tăng cường sức cạnh tranh của Vùng; tăng cường thu hút đầu tư nhằm hướng tới xây dựng không gian lập thể toàn Vùng và nâng cao mức sống của người dân. Trong đó, cần khẩn trương xây dựng kế hoạch đầu tư dài hạn để phát triển cơ sở hạ tầng; kinh tế biển và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Các mục tiêu cụ thể:
Một là, đối với kết cấu hạ tầng: Về đường bộ, trong thời gian tới cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các đoạn quan trọng qua Vùng như: đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế (La Sơn) - Đà Nẵng (Túy Loan); dự án hầm đường bộ qua đèo Cả. Về đường sắt, nâng cấp tuyến đường sắt Thống Nhất qua Vùng, xây dựng các tuyến đường sắt nhánh nối từ đường sắt quốc gia đến các cảng biển, khu CN, khu kinh tế; nâng cấp các nhà ga chính trong Vùng theo tiêu chuẩn quốc tế như các ga Đà Nẵng, Huế, Nha Trang... Về hàng không, mở rộng, nâng cấp và đầu tư chiều sâu các cảng hàng không quốc tế (HKQT) Đà Nẵng, Cam Ranh; có kế hoạch và lộ trình thích hợp để đầu tư cảng hàng không Chu Lai, Phù Cát trở thành cảng HKQT; phối hợp với Vietnam Airlines xúc tiến mở các đường bay quốc tế trực tiếp đến các cảng HKQT trong Vùng; mở thêm các đường bay trong nước nối các đô thị trong Vùng và với các trung tâm CN, dịch vụ của cả nước.
Hai là, về kinh tế biển: Trong thời gian tới, Vùng cần đặt trọng tâm là hoàn thiện kết cấu hạ tầng cảng biển (mở rộng, nâng cấp và đầu tư chiều sâu các cảng biển Đà Nẵng, Quy Nhơn, Chân Mây...) và sớm có quy hoạch phát triển logistics, vận tải đa phương, đồng bộ hóa việc quy hoạch phát triển cảng biển với quy hoạch giao thông cầu đường, luồng lạch.
Cảng Quy Nhơn với cơ sở hạ tầng kỹ thuật tốt đã tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế vùng.
- Trong ảnh: Xuất khẩu hàng thông qua Cảng Quy Nhơn. Ảnh: VĂN LƯU
Ba là, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao: Ưu tiên xây dựng các trường đại học chuyên ngành, tập trung đào tạo về công nghệ thông tin tại các thành phố: Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn để cung ứng nguồn kỹ sư công nghệ thông tin, kỹ thuật viên phần cứng, phần mềm... đáp ứng nhu cầu trong Vùng và hướng tới xuất khẩu nguồn nhân lực ra khu vực và thế giới. Hình thành chuỗi các trường đào tạo DL tại Huế, Đà Nẵng, Nha Trang để cung cấp nguồn nhân lực cho Vùng và cả nước. Tập trung đầu tư, xây dựng và phát triển cho Đại học Nha Trang cơ sở nghiên cứu về kinh tế biển và hải dương học.
Bốn là, cần xây dựng kế hoạch đầu tư tổng thể nhằm phát triển một cách đồng bộ các ngành CN phụ trợ cho ngành CN chế biến lọc hóa dầu tại Dung Quất, Phú Yên, Bình Định như CN cơ khí, chế tạo máy, khoan thăm dò địa chất, sản xuất đường ống dẫn, vận tải đường bộ và đường biển...
* DL được xác định là lĩnh vực thế mạnh của Vùng, theo ông trong thời gian tới cần giải pháp gì để phát huy hơn nữa thế mạnh này?
+ Xác định DL là ngành kinh tế mũi nhọn của Vùng, mục tiêu phát triển DL đến 2020 của các tỉnh DHMT với các chỉ tiêu: đạt 6-7 triệu lượt khách quốc tế và 20 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ hoạt động DL trên 3 tỉ USD; thu hút trên 190 nghìn lao động. BIDV đề xuất một số giải pháp phát triển DL như sau:
Thứ nhất, thúc đẩy cơ chế phối hợp, liên kết giữa các tỉnh trong phát triển DL, tập trung triển khai chương trình liên kết phát triển DL Vùng: Sớm xây dựng, thực thi các cơ chế chính sách đặc thù về liên kết phát triển DL. Đẩy mạnh và triển khai có hiệu quả liên kết phát triển DL Vùng với các địa phương trong nước và các nước trên thế giới. Cần có sự đầu tư và liên kết các sự kiện, lễ hội riêng của từng tỉnh/thành phố để tạo ra chuỗi sự kiện DL Vùng, nhằm giảm bớt chi phí tổ chức đồng thời thu hút và tận dụng tối đa các nguồn khách DL.
Thứ hai, cần đẩy mạnh quảng bá thông tin, xây dựng thương hiệu DL cho toàn Vùng: Xây dựng thương hiệu và biểu tượng, slogan DL Vùng gắn với thương hiệu, biểu tượng DL quốc gia. Tập trung hướng hình ảnh DL của Vùng ra quốc tế...
Thứ ba, tăng cường bổ sung vốn đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm sau: Tăng cường đầu tư, xây dựng các khu, tuyến, điểm DL, nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở lưu trú.... Đầu tư nâng cấp hệ thống trường đào tạo DL, mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ sở đào tạo quốc tế. Chú trọng phát triển sản phẩm DL là thế mạnh của Vùng như DL biển, đảo, DL văn hóa gắn với chuỗi các di tích lịch sử - lễ hội. Mỗi địa phương nên có sản phẩm DL đặc trưng riêng. Đẩy mạnh đầu tư đối với công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, thiên nhiên.
Thứ tư, cần tăng cường cơ chế đối thoại giữa lãnh đạo địa phương và các DN để tháo gỡ khó khăn cho DN nhằm thu hút đầu tư vào các địa phương trong Vùng.
* Định hướng của BIDV trong việc tiếp tục hỗ trợ phát triển KT-XH Vùng trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
+ Với vai trò là định chế tài chính hàng đầu của Việt Nam, cam kết song hành vì mục tiêu phồn vinh của khu vực, đồng thời là sáng lập viên của Quỹ NCPTMT, BIDV cam kết tiếp tục phát huy vai trò trong việc hỗ trợ phát triển KT-XH các tỉnh DHMT.
Thứ nhất, tiếp tục cung ứng vốn tín dụng (TD) hỗ trợ phát triển KT-XH, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho các địa phương trong Vùng: Trong giai đoạn 2011-2015, dự kiến kế hoạch tăng trưởng TD cho các chi nhánh BIDV tại địa bàn khu vực miền trung từ 25-27% (dự kiến tăng dư nợ 6.000-10.000 tỉ đồng mỗi năm) để tài trợ cho các khoản vay, dự án có hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2015, dư nợ của BIDV tại 9 tỉnh DHMT đạt khoảng 65.000-70.000 tỉ đồng (trong đó vốn trung dài hạn chiếm khoảng 40%). Thu xếp, cung ứng vốn TD cho các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng như: đầu tư nâng cấp quốc lộ 1A đi qua các tỉnh Thừa Thiên-Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên. Mở rộng, nâng cấp và đầu tư chiều sâu các cảng biển Đà Nẵng, Quy Nhơn... Tiếp tục mở rộng mạng lưới trên cơ sở thành lập mới các chi nhánh và các phòng giao dịch trên địa bàn; phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại...
Thứ hai, hỗ trợ hoạt động kêu gọi đầu tư và huy động các nguồn vốn nhằm mục tiêu phát triển KT-XH trong vùng. Hỗ trợ kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư vào vùng tập trung phát triển hệ thống đường bộ và liên tỉnh quốc tế, hạ tầng các khu kinh tế, cụm CN; hoàn thiện kết nối các tuyến DL ven biển; hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao, các khu kinh tế động lực trong vùng... Sẵn sàng làm đầu mối tư vấn về các giải pháp tài chính cho các sở ban ngành địa phương trong xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng của Vùng và các địa phương trong Vùng.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện và kêu gọi, vận động thực hiện các hoạt động tài trợ an sinh xã hội để góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho Vùng và các địa phương trong Vùng.
Thứ tư, tiếp tục hỗ trợ phát triển DL của Vùng và các địa phương: Tiếp tục cung ứng vốn TD cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực DL; hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến DL...
* Xin cảm ơn ông!
QUANG MINH - XUÂN DUNG (Thực hiện)