Nguồn gốc của từ “mồng”
“Mồng” trong mồng một, mồng hai là từ quen thuộc. Tuy nhiên, nghĩa và nguồn gốc của nó không phải ai cũng rõ. Vậy, “mồng” là gì và nó bắt nguồn từ đâu?
“Mồng” là một yếu tố Việt gốc Hán. Theo học giả An Chi trong bài “Sống là điệp thức sanh/sinh”, “mồng” bắt nguồn từ chữ “mạnh” (bộ tử). Mối quan hệ giữa/-ông/ ↔ /-anh/giữa “mồng” và “mạnh” ta còn gặp trong nhiều trường hợp: bộng [cây] ↔ bánh/bính (nghĩa là “hang, lỗ”); lông ↔ linh/lanh (lông chim); [mầm] mống, mộng [dừa] ↔ manh (mầm); [chết không còn một] mống ↔ manh (người, đứa); [khôn sống] mống [chết] ↔ manh (tối tăm, mù quáng, không biết gì hết); ngồng [cải] ↔ ngạnh (nhành cây, cuống hoa)…
Trong tiếng Hán, “mạnh” có nghĩa là “đứng đầu, khởi đầu”. Từ này đồng nghĩa với từ “sơ” (bộ y) như trong cổ sơ, hoang sơ, sơ bộ, sơ cấp, sơ đẳng, sơ khai, sơ sinh, sơ tuyển... Cho nên, mạnh xuân cũng là sơ xuân (đầu mùa xuân), mạnh thu cũng chính là sơ thu (đầu thu). Tiếng Việt dùng “mồng” để gọi cho các ngày đầu tháng, cũng như tiếng Hán hiện đại dùng “sơ”. Cho nên, mồng một, mồng hai, mồng ba… trong tiếng Việt tương đương với sơ nhất, sơ nhị, sơ tam… trong tiếng Hán.
“Mồng” còn có một biến âm là “mùng”. Quan hệ giữa /-ông/ ↔ /-ung/ là quan hệ gần gũi, phổ biến, có thể thấy trong nhiều trường hợp như: giống ↔ chủng; lồng ↔ lung...
Có một điều thú vị là tại sao 10 ngày đầu của tháng được đi với “mồng” mà không phải là 8, 9 hay 11 ngày. Như đã biết, trong tiếng Hán, “mạnh” là “đầu”, cùng với “trọng” (bộ nhân) là “giữa”, “quý” (bộ tử) là “cuối”. Tháng đầu của một mùa là “mạnh” (như mạnh xuân); tháng giữa là “trọng” (như trọng xuân), tháng cuối là “quý” (như quý xuân). Khi đặt tên con, con trai trưởng thường có tên lót là “mạnh”, con trai thứ thường lót “trọng”, con trai út thường lót “quý”. Trong một tháng có 30 ngày, từ ngày thứ nhất đến ngày thứ mười là 10 ngày đầu tiên của tháng nên được gọi kèm với “mạnh”, về sau biến âm thành “mồng/ mùng”.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ