Vụ trồng rừng mới, trồng hy vọng mới
Trước vụ trồng rừng năm nay, cùng với việc phối hợp với các địa phương hướng dẫn các chủ rừng xử lý thực bì, đào hố, chọn cây giống chất lượng để đảm bảo tiến độ trồng rừng, ngành lâm nghiệp còn động viên các DN và người dân hướng tới việc trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng lấy chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC).
Sản xuất cây giống lâm nghiệp tại Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh (Sở NN&PTNT), năm 2019, toàn tỉnh trồng khoảng 8.500 ha rừng; trong đó trồng hơn 208 ha rừng phòng hộ, còn lại là diện tích trồng rừng sản xuất. Đến thời điểm này, các chủ rừng đã cơ bản hoàn tất khâu chuẩn bị.
Anh Bùi Văn Sáng, người dân trồng rừng ở khu phố Thịnh Văn 1, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh, cho hay: “Tôi trồng 3 ha keo lai và đã khai thác 1 ha, hiện đã phát dọn thực bì, đến mùa mưa sẽ tiến hành trồng bù vào chỗ vừa khai thác. Theo hướng dẫn của ngành Lâm nghiệp, tôi chú trọng chọn mua cây giống lâm nghiệp đảm bảo chất lượng. Đặc biệt tôi đang tìm vốn để cố gắng nâng chu kỳ trồng - khai thác từ 4 - 5 năm lên 7 - 8 năm. Làm được vậy thì lợi nhuận tăng thêm khoảng 10%. Nếu tăng thêm chừng 1 - 2 năm nữa thôi thì lợi ích sẽ tăng lên rất cao do lúc đó cây gỗ thu hoạch có thể làm được rất nhiều việc. Theo tôi biết, nhiều người cũng ham trồng rừng gỗ lớn, nhưng ai cũng gặp khó khăn ở vốn đầu tư nên cao lắm trồng đến 7 - 8 năm là khai thác”.
Theo Chi cục Kiểm lâm, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư trồng rừng gỗ lớn của 3 công ty lâm nghiệp Sông Côn, Hà Thanh, Quy Nhơn với tổng diện tích hơn 4.100 ha. Hiện có 4 DN, đơn vị đang xin chủ trương đầu tư trồng rừng theo chứng chỉ FSC, gồm: Công ty CP Lâm nghiệp Kim Thành Lộc (huyện Hoài Nhơn); Công ty TNHH Dịch vụ Huỳnh Phát, Công ty CP Năng lượng sinh học Phú Tài (TP Quy Nhơn) và HTX Lâm nghiệp An Hiệp Phát (TP Hồ Chí Minh).
Công tác chăm sóc và trồng rừng năm 2019 tại Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Côn (huyện Vĩnh Thạnh) được triển khai đảm bảo đúng kế hoạch. Ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch công ty, cho hay: “Dự án trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2019 - 2020 của đơn vị đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trước đó, đơn vị đã chủ động chuyển 800 ha rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, trồng mới khoảng 900 ha rừng sau khai thác với mục tiêu trồng rừng gỗ lớn để mở rộng phạm vi sản xuất, kinh doanh”.
Từ năm 1996, Công ty TNHH Trồng rừng Quy Nhơn (100% vốn đầu tư của Nhật Bản) đã trồng hơn 9.700 ha để trồng rừng phù hợp các tiêu chuẩn để nhận chứng chỉ FSC. Khi rừng trồng được 5 năm tuổi, Văn phòng Hội đồng quản lý rừng FSC tại Việt Nam sẽ tiến hành đánh giá, kiểm tra để nâng cấp hệ thống quản lý và cấp lại chứng chỉ FSC. Công ty này chỉ khai thác rừng trồng khi cây gỗ đạt ít nhất là 8,5 tuổi cùng một số điều kiện kỹ thuật khác. Bình quân hàng năm, Công ty khai thác và trồng mới khoảng 1.000 ha rừng.
Hoạt động kiểm tra rừng trồng theo chứng chỉ FSC của Công ty TNHH Trồng rừng Quy Nhơn.
Ông Omura Yasuaki, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Trồng rừng Quy Nhơn, chia sẻ: “Tại tỉnh Bình Định, ngoài chúng tôi, hiện chưa có tổ chức, DN hay cộng đồng dân cư nào trồng rừng FSC. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ kinh nghiệm cho họ để xây dựng mô hình này. Trồng rừng theo chứng chỉ FSC không chỉ tăng giá trị của gỗ, có thể sử dụng ngay trong nội địa hoặc xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Mỹ; cùng một đơn vị diện tích, lợi nhuận khi ta trồng rừng FSC tăng thêm từ 15 - 20% so với không có chứng chỉ. Mặt khác, điều chúng tôi muốn chia sẻ còn là, khi ta trồng rừng theo chứng chỉ FSC sẽ có thêm nhiều lợi ích rất lớn như bảo vệ môi trường, điều tiết tốt thời tiết, khí hậu, nâng cao hiệu quả KT-XH. Bất cứ tổ chức, DN hay cộng đồng dân cư nào muốn trồng rừng FSC, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm miễn phí!”.
Theo ông Nguyễn Đình Lâm, Trưởng phòng Sử dụng và phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh), hiện tại, công tác chuẩn bị trồng rừng ở một số đơn vị, chủ rừng cơ bản đã hoàn thành. Đến nay, toàn tỉnh đã sản xuất hơn 48.200 cây giống lâm nghiệp, Chi cục sẽ tăng cường công tác quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp, thường xuyên phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ các chủ rừng xử lý thực bì, kỹ thuật trồng rừng, bảo vệ rừng và PCCC rừng, đồng thời động viên để chủ rừng tham gia trồng rừng gỗ lớn, rừng FSC nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN