KHẮC PHỤC CẢNH BÁO “THẺ VÀNG” THỦY SẢN:
Đảm bảo việc thực thi pháp luật hiệu quả
Bà Phan Thị Huệ
Trao đổi cùng PV Báo Bình Ðịnh, bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) khẳng định, một trong những trọng tâm để khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản khai thác của Việt Nam là công tác thực thi pháp luật phải đạt hiệu quả trên thực tế.
* Vậy đánh giá của bà về công tác thực thi pháp luật để khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” thủy sản của EC của chúng ta thời gian qua?
- Ngay khi Luật Thủy sản 2017 được ban hành, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định hướng dẫn thi hành luật, thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU); Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 chỉ thị, 3 công điện, 2 quyết định về chống khai thác IUU. Bộ NN&PTNT ban hành 8 thông tư và nhiều văn bản, kế hoạch để triển khai, trong các văn bản này đã có quy định khắc phục khuyến nghị của EC.
Về phía địa phương, 28 tỉnh, thành ven biển trong cả nước đều ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch thi hành Luật Thủy sản, kế hoạch hành động chống khai khai thác IUU; đầu tư nguồn lực để nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng cảng cá đảm bảo an toàn vệ sinh; truy xuất nguồn gốc thủy sản; hệ thống quản lý, giám sát tàu cá…
Sau gần 2 năm triển khai thi hành các khuyến nghị “thẻ vàng” của EC đã đạt nhiều kết quả tích cực.
* Nhưng tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn tiếp diễn, giải pháp nào để ngăn ngừa tình trạng này, thưa bà?
- Phải nói rằng, việc ngăn ngừa tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện từ Trung ương đến địa phương. Trước khi EC có cảnh báo “thẻ vàng” (tháng 10.2017), năm 2010, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 689 triển khai một số biện pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ. Đến thời điểm này, không còn tàu cá nào của Việt Nam vi phạm vùng biển quốc đảo Thái Bình Dương - đó cũng là một điểm sáng trong chuỗi hành động chống khai thác IUU. Song, chúng ta cũng phải nhìn nhận, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước như: Thái Lan, Indonesia, Philippines... vẫn còn tiếp diễn.
Hoạt động quản lý, giám sát tại Trạm bờ đặt tại Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT).
Chính phủ đã ban hành Nghị định 42 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản với mức phạt đến 1 tỷ đồng đối với tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên vi phạm vùng biển nước ngoài; tàu cá của tổ chức mức phạt 2 tỷ đồng. Chế tài này phần nào mang tính răn đe đối với ngư dân có ý định vi phạm vùng biển nước ngoài.
Tuy vậy, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, lực lượng chấp pháp trên biển; đặc biệt ngư dân nhận thức đúng chúng ta làm việc này vì hình ảnh quốc gia và vì quyền lợi từng ngư dân. Thực hiện được điều này, EC sẽ có những đánh giá tích cực đối với việc thực thi pháp luật của Việt Nam.
* Ngành Thủy sản có những giải pháp nào để đảm bảo quản lý nghề cá theo hướng phát triển bền vững?
- Đến nay, Bộ NN&PTNT đã ban hành quyết định cấp hạn ngạch khai thác thủy sản cho 28 tỉnh, thành ven biển. Các địa phương đã và đang cấp hạn ngạch vùng bờ, vùng lộng theo thẩm quyền. Việc cấp hạn ngạch thực hiện theo hướng đảm bảo giữ ổn định hoạt động khai thác thủy sản trên biển theo tình hình thực tiễn. Về lâu dài, cần lộ trình đánh giá, điều tra nguồn lợi thủy sản theo từng loài và xác định trữ lượng cho phép khai thác mới tiến tới cấp hạn ngạch khai thác thủy sản theo sản lượng.
Đối với nghề cá phát triển hiện đại, chúng ta quản lý cường lực khai thác, còn những phương diện liên quan đến sinh kế thì áp dụng quy định đặc thù. Chúng tôi rất mong, địa phương phối hợp chặt chẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, các cơ chế, chính sách để hỗ trợ ngư dân trong quá trình thực hiện luật, văn bản dưới luật, cũng như lộ trình triển khai phù hợp thực tiễn.
Để đảm bảo kế hoạch đầu tháng 11.2019, đoàn thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản EC sang Việt Nam thanh tra, kiểm tra tình hình chống khai thác IUU, Bình Định cũng như các địa phương ven biển cần đầu tư nguồn tài chính, nhân lực triển khai quản lý tốt tàu cá; tổ chức hoạt động xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản; đăng ký đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản tàu cá… chứng minh chúng ta triển khai hiệu quả các khuyến nghị của EC.
* Xin cảm ơn bà!
ĐOÀN NGỌC NHUẬN (Thực hiện)