Rối!?
Những ngày này, các em học sinh lớp 12 bận rộn với việc làm hồ sơ thi đại học, cao đẳng cho kỳ thi sắp tới. Thi vào đâu cho dễ đậu, chọn trường nào để thuận lợi việc ăn học mấy năm trời, nghề nào cho dễ kiếm việc, lương cao… quả là điều không đơn giản đối với các cô tú, cậu tú.
Từ vài tháng qua, các hoạt động tư vấn mùa thi được tổ chức khá rộn ràng khắp nơi. Đây là hoạt động khá bổ ích nhằm giúp học trò có thêm thông tin, kinh nghiệm để chọn trường học sau bậc phổ thông, xa hơn là chọn nghề nghiệp cho tương lai. Tuy nhiên, với một hệ thống trên 400 trường đại học, cũng cỡ chừng ấy là trường cao đẳng các loại, thế nhưng các thông tin mà các trường công bố đều mang một màu hồng về chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm… khiến cho các cô cậu học trò trở nên bối rối khi phải chọn lựa. Trong khi đó, điều cần thiết là có một cơ quan hay tổ chức độc lập kiểm định đánh giá chất lượng các trường và công bố như ở các nước khác thì không có, nên học sinh như lạc vào một mớ bòng bong, không dễ để tìm hiểu cho ra đầu ra đũa để lựa chọn chính xác và phù hợp nhất.
Mặt khác, ai cũng biết nhà trường phổ thông của ta có chương trình bao gồm hơn chục môn học, môn nào cũng được xếp vào loại rất cần thiết. Vì quá nhiều kiến thức phải tiêu hóa khiến cho học sinh quá tải đâm ra dẫn đến bội thực nên cũng chẳng mấy hữu ích. Các hoạt động mang tính định hướng nghề nghiệp và rèn luyện các kỹ năng mềm rất cần thiết cho sự phát triển lâu dài cũng hầu như không đáng kể. Thế nên rất nhiều em không biết ngành mình chọn học là gì, sau này sẽ làm được việc gì dẫn đến “hội chứng bầy đàn” trong việc chọn trường, chọn ngành đi thi. Trong khi đó, các dự báo về nhu cầu nhân lực cho xã hội thì cũng rất hạn chế, thiếu cơ sở thực tế nên độ tin cậy không cao.Tỷ như, những năm trước các ngành “hot” được chọn là tài chính ngân hàng, kinh tế, quản trị kinh doanh…, nay nghe nói đang khủng hoảng dư thừa thì hoảng hốt tháo chạy (!).
Học hành là chuyện hệ trọng của mỗi con người vì nó liên quan đến cả một đời người. Nguồn lực con người là chuyện hệ trọng của mỗi quốc gia nên học hành cũng là chuyện “quốc gia đại sự”. Vì vậy, làm thế nào để học sinh không còn phải “rối tinh rối mù” trong việc chọn lựa học hành sau bậc phổ thông cũng là việc lớn của nền giáo dục nước nhà.
Minh Tâm