Tản mạn tình thầy trò của nghệ sĩ tuồng
Khi dạy - học vai thì giữa họ là tình thầy - trò. Nhưng khi lên sàn diễn hay ở đằng sau cánh gà, tình thầy- trò trở thành tình cha - con, anh - em, đồng nghiệp gắn bó, gần gũi. Mỗi mẩu chuyện về tình thầy- trò trong nghệ thuật tuồng là một dòng ký ức chan chứa, sâu lắng tình yêu thương.
Đề cập đến mối quan hệ thầy-trò trong nghệ thuật tuồng không thể không nhắc đến thầy- trò Nguyễn Diêu và Đào Tấn. Danh nhân Đào Tấn rất kính trọng thầy. Suốt cuộc đời mình ông luôn nhớ tới công ơn thầy và đã làm nhiều thơ, văn nói về người thầy đáng kính. Tương truyền, sau khi Nguyễn Diêu mất, Đào Tấn đọc lại vở tuồng “Ngũ hổ bình Tây” của thầy và muốn chữa lại đoạn “Địch Thanh từ biệt Trại Ba” cho vở tuồng thấu tình đạt lý hơn. Tỏ lòng tôn kính, cụ Đào đã sắm lễ vật mang đến trước bàn thờ thầy xin phép rồi mới chữa lại đoạn tuồng ấy.
Từ thế hệ nghệ sĩ đầu tiên của Đoàn tuồng Liên khu V như các NSND Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Võ Sỹ Thừa, Đinh Quả… hay lớp nghệ sĩ tiếp nối ở Nhà hát tuồng Đào Tấn như các NSND Hòa Bình, Phương Thảo, Xuân Hợi, Minh Ngọc, các NSƯT Tuyết Mai, Kim Thành… đều là những người thầy giỏi nghề tuồng đã dày công vun đắp cho nhiều thế hệ học trò. Khi truyền dạy nghề, họ là những người thầy rất nhiệt tình, nghiêm khắc nhưng trong cuộc sống đời thường lại rất gần gũi, vui tính, hài hước, dí dỏm với những đặc điểm riêng của “dân nghệ sĩ”.
Khi được hỏi về ảnh hưởng của cố NSND Đinh Quả - người cha, người thầy đối với nghiệp tuồng của mình, NSƯT Kim Thành bộc bạch: “Cha tôi rất nghiêm khắc nên tôi luôn ý thức phải cố gắng và chịu khó học nghề. “Phải có vốn nghề chắc chắn thì người khác mới không khinh thường mình” - ông thường nhắc vậy. Vào ngày giỗ cha hằng năm, tôi thường mở băng, đĩa xem lại các tư liệu quý cha để lại như sự nhắc nhở và động viên tôi luôn cố gắng dốc lòng với nghề”.
Còn ở gia đình cố NSND Võ Sỹ Thừa, ba cha con - NSND Võ Sỹ Thừa- con gái NSƯT Tuyết Mai và con rể NSND Xuân Hợi thường trao đổi chuyện nghề rất sôi nổi bên mâm cơm gia đình. NSƯT Tuyết Mai chia sẻ: “Ngoài tình cảm cha con, tôi luôn xem cha mình là người thầy mẫu mực”.
Tác giả Đoàn Thanh Tâm cũng thể hiện tấm lòng thành kính đối với người thầy- soạn giả tuồng Tống Phước Phổ - người đã tận tình chỉ dạy cho anh khi còn ở Nhà hát tuồng Đào Tấn bằng việc lập bàn thờ ngay tại nhà riêng để thờ thầy và hằng năm tổ chức ngày giỗ thầy như giỗ cha mẹ mình.
NGUYỄN THÚY HƯỜNG