Những gửi gắm tâm huyết
Bên lề Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần III - năm 2019, một số đại biểu các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã gửi gắm nhiều tâm huyết.
* Ông Đoàn Mai Thợm, 61 tuổi, dân tộc Chăm H’roi, đại biểu làng Hòn Mẻ (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh):
Đến nay, người dân làng Hòn Mẻ đã từ bỏ những hủ tục lạc hậu, vươn tới tiến bộ. Đời sống người dân đã khá hơn. Bà con có nhà xây khang trang, có xe máy, máy cày... Làng tôi ở ngay trục QL 19C, đường làng được bê tông chắc chắn, sạch sẽ. Với những đổi thay như vậy, tôi và bà con rất vui mừng. Chúng tôi mong Đảng và Nhà nước tiếp tục dành sự quan tâm, hỗ trợ cho cộng đồng đồng bào DTTS, đặc biệt là các làng ở vùng sâu, vùng xa để có thêm những bước tiến đáng mừng.
* Ông Đinh Biên, 65 tuổi, dân tộc Bana, người uy tín làng Tà Lét (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh):
Những chuyển biến tích cực về cơ sở vật chất, hạ tầng, tư tưởng của bà con trên các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, văn hóa... kể từ Đại hội đại biểu các DTTS lần II đến nay rất đáng tự hào. Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt hạn chế. Đó là việc làm kinh tế của người dân miền núi vẫn còn nhiều bấp bênh, nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay. Một bộ phận người trẻ còn thiếu tinh thần phấn đấu do bị ảnh hưởng bởi mặt trái của game, internet; lại thêm tâm lý chán nản bởi một bộ phận các anh chị đi trước học đến đại học, cao đẳng nhưng chưa tìm được việc làm. Tôi mong Đảng và Nhà nước quan tâm đến những vấn đề này để kịp thời có giải pháp phù hợp, từ đó thúc đẩy vùng đồng bào DTTS phát triển hơn nữa, rút ngắn khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng. Về phía cộng đồng DTTS, chúng tôi tiếp tục giữ vững sức mạnh đoàn kết, giúp đỡ nhau trong làm ăn, giữ vững quy ước của làng, thôn, đảm bảo ANTT.
* Bà Đinh Thị Tuyết, 50 tuổi, dân tộc H’re, đại biểu thôn 7 (thị trấn An Lão, huyện An Lão):
“Tôi hiện là một nhân viên y tế thôn bản, làm nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, thực hiện các hoạt động chuyên môn về y tế tại cộng đồng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình... Bên cạnh đó, tôi còn tham gia tích cực các hoạt động lễ hội truyền thống. Tôi có niềm say mê với làn điệu dân ca H’re, Bana, cồng chiêng, múa truyền thống. Ở tuổi 50, tôi tiếp tục truyền những điệu múa, lời ca cho thế hệ tiếp theo, tham gia tập luyện cho các em, các cháu trong mỗi dịp lễ hội của làng. Tôi mong muốn, bằng việc làm của mình, có thể tiếp tục gìn giữ, bồi đắp, phát huy những vẻ đẹp văn hóa truyền thống của người H’re, Bana mà tôi rất mực yêu quý”.
* Kỹ sư Lục Thị Ngân, 36 tuổi, dân tộc H’Mông, đại biểu thôn Định Tam (xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh):
Tôi, quê gốc ở Cao Bằng, về làm dâu Bình Định đã được 8 năm. Sự khác biệt về văn hóa, khí hậu đã làm tôi bỡ ngỡ, gặp không ít khó khăn trong thời gian đầu. Nhưng chính sự chân thành, nhiệt tâm của bà con dân tộc Bana nơi tôi cư trú, các đồng nghiệp nơi tôi làm việc đã giúp tôi nhanh chóng hòa nhập. Tôi yêu quý mảnh đất và những con người ở nơi này. Vì thế, tôi luôn muốn đóng góp kiến thức, kỹ năng chuyên môn của mình cho sự phát triển của địa phương. Tôi đang nỗ lực làm việc tại Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng huyện Vĩnh Thạnh. Và, tôi tin, rất nhiều những người bạn, người anh em các dân tộc ít người khác như tôi cũng đang đóng góp sức mình để xây dựng mảnh đất mà họ đã chọn gắn bó.
NGUYỄN MUỘI