Chính quyền phải sát cánh với tiểu thương chợ Mộc Bài
Ðó là chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn sau khi trực tiếp thị sát hiện trường vụ cháy chợ Mộc Bài (thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân) và thăm hỏi các tiểu thương bị thiệt hại nặng nề sau vụ cháy.
Ngọn lửa khởi phát lúc 16 giờ 30 phút ngày 11.9 từ quầy bán hàng mã của bà Trần Thị Hương và quầy tạp hóa của bà Nguyễn Thị Tuyết (dãy số 1, khu giữa chợ), nguyên nhân cháy theo nhận định ban đầu có thể là do chập điện. Công tác chữa cháy được các lực lượng chức năng tiến hành; đến 22 giờ cùng ngày đám cháy mới được dập tắt hoàn toàn.
Hoang tàn, xót xa
Phải đến sáng 12.9, hiện trường đám cháy chợ Mộc Bài mới hiện rõ. Ngổn ngang, hoang tàn. Tất cả đều cháy đen. Những mái tôn tạm bợ đổ sụp, chắn ngang lối đi. Vương vãi trên mặt đất là những củ cải không còn màu trắng, chai nước cong queo và gói mì tôm không còn vỏ. Phơi giữa nắng trời là từng xấp vải, chiếc áo dính chặt vào nhau. Những tốp phụ nữ ngồi túm tụm, mắt thâm quầng, xót xa nhìn vào phía trong chợ.
Cảnh ngổn ngang của chợ Mộc Bài sau vụ cháy chiều và đêm 11.9.
Năm nay 49 tuổi, bà Võ Thị Trúc bảo không tính được mình đã gắn bó với cái quầy tạp hóa ở chợ Mộc Bài mấy chục năm rồi. Vậy mà, chỉ qua một đêm, cái quầy ấy chỉ còn một mớ ngổn ngang. “Cả đêm qua không ngủ được, chẳng biết rồi mấy ngày tới sống thế nào nữa”, bà Trúc thở dài.
Sạp vải của chị Nguyễn Thị Thu Hà và chị Nguyễn Thị Kim Yến nằm sát nhau, cạnh đường đi bên chợ. Khi sạp vải của chị Yến bốc cháy, chị Hà thấy sạp vải của mình chưa cháy nhưng bất lực đứng nhìn vì khói quá nhiều. “Vải đủ loại, rồi quần áo từ con nít đến người già, cháy hết. Nhìn mà đứt ruột đứt gan. Thiệt hại cũng phải đến 500 - 700 triệu đồng!”, chị Hà ứa nước mắt nói đứt quãng.
Chợ Mộc Bài là cái tên ăn sâu vào tiềm thức của người dân Hoài Ân từ xa xưa. Hiện nay, nơi đây là trung tâm thương mại của huyện, có trên 400 hộ kinh doanh và khoảng 160 hộ để hàng trong các ki-ốt tại chợ. Tổng diện tích của chợ khoảng 6.500 m2, gồm khu nhà trung tâm 2 tầng với diện tích 636 m2 và các ki-ốt lẻ. Khu chợ trung tâm và hệ thống dây dẫn điện được xây dựng từ năm 1991 đến nay đã xuống cấp trầm trọng.
Theo Chủ tịch UBND thị trấn Tăng Bạt Hổ Mai Văn Lên, thời điểm cháy không có tiểu thương buôn bán tại chợ, nên không có thiệt hại về người. “Về tài sản, chưa chốt được chính xác giá trị thiệt hại, nhưng chắc chắn là rất lớn. Có khoảng trên 60 hộ kinh doanh bị thiệt hại hoàn toàn, khoảng 90 hộ bị thiệt hại từ 20 - -50%”, ông Lên nhẩm tính.
Còn Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Hoàng Phi Long cho hay: “Đáng lo là thông tin ban đầu cho biết, có những hộ bị thiệt hại nặng đang vay nhiều, vay nóng. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, dễ dẫn đến vỡ nợ, gây hệ lụy lớn”.
Hỗ trợ khẩn cấp, không tính quy trình
Ngay sáng 12.9, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng cùng đoàn công tác của tỉnh đã có chuyến làm việc tại huyện Hoài Ân về vụ cháy chợ Mộc Bài. Sau khi thị sát tình hình thực tế, đoàn công tác đã làm việc với cán bộ chủ chốt của huyện Hoài Ân và thị trấn Tăng Bạt Hổ.
Đoàn công tác của tỉnh thị sát chợ Mộc Bài sáng 12.9.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng cho rằng, công tác phòng cháy của chợ Mộc Bài chưa đảm bảo, bởi 3/4 mặt tiếp giáp với nhà dân, rất dễ cháy lây lan ra khu dân cư. “Các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xác định nguyên nhân vụ cháy để bàn giao mặt bằng, hướng dẫn các hộ còn tài sản sau vụ cháy được nhận lại, họ đang rất sốt ruột”, ông Thắng nói.
Cảnh giác phòng cháy chợ
Vụ cháy chợ Mộc Bài xảy ra không lâu sau khi chợ Cây Xăng (phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) cũng bốc hỏa vào ngày 16.8 tiếp tục đưa ra cảnh báo về nguy cơ cháy các chợ trên địa bàn tỉnh. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn yêu cầu cơ quan chức năng ngay tuần sau tiến hành kiểm tra công tác PCCC tại chợ Bồng Sơn (thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn) - nơi buôn bán sầm uất, chật hẹp, đường vào rất nhỏ, khó khăn cho công tác cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra cháy.
Giám đốc Sở Công Thương Ngô Văn Tổng đề nghị chính quyền địa phương tập trung thống kê số hộ bị thiệt hại sau vụ cháy, đề xuất mức hỗ trợ cụ thể. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn nhấn mạnh yêu cầu cấp bách hiện nay là sớm ổn định đời sống của người dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ vụ cháy. Trong đó, trọng tâm là triển khai ngay các biện pháp hỗ trợ tiểu thương.
“Lãnh đạo huyện, thị trấn phải tổ chức gặp gỡ các hộ dân để xác định thiệt hại cụ thể như thế nào, đồng thời lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của bà con. Huyện tạm ứng ngân sách để hỗ trợ ngay cho những trường hợp thiệt hại nặng. Phải thực hiện như trường hợp bão lũ vậy, nhanh nhất có thể, không kể quy trình này nọ. Chính quyền phải thật sự sát cánh với người dân trong lúc ngặt nghèo này”, ông Toàn nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn cũng lưu ý lãnh đạo huyện Hoài Ân và Sở Công Thương về các phương án xây dựng chợ tạm, chợ mới để ổn định nơi buôn bán trước mắt và lâu dài cho người dân địa phương, đảm bảo “an toàn, tiện nghi, thuận lợi” nhất.
NGUYỄN VĂN TRANG