Công tác quản lý thuế kinh doanh dịch vụ: Hài hòa giữa nghĩa vụ và lợi ích
Trước thực tiễn - hoạt động kinh doanh dịch vụ nở rộ, bước ra khỏi hẻm, khỏi ngõ là thấy quán cà phê, quán ăn, hàng nước bày bán tấp nập, song số thu từ lĩnh vực này quá thấp, ngành Thuế đã tích cực khắc phục, tìm cách thay đổi cục diện.
Dịch vụ homestay phát triển khá mạnh ở Quy Nhơn nhưng do hoạt động không đều, việc quản lý thuế tại dịch vụ này phải dựa vào doanh thu tối thiểu. (ảnh minh họa)
Theo kế hoạch, từ đây đến hết năm 2019, ngành Thuế tỉnh triển khai khảo sát, rà soát và tiến hành xây dựng mức doanh thu tối thiểu với các hoạt động kinh doanh dịch vụ. Chia sẻ về điều này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế Tây Sơn Bùi Viện phân tích, xét về lượng du khách, Tây Sơn chỉ xếp sau TP Quy Nhơn. Nhưng thực tế, số thu từ doanh thu thuần du lịch ở Tây Sơn lại không đáng kể. Thống kê của ngành Thuế Tây Sơn khiến nhiều người bất ngờ, toàn huyện có 3 DN kinh doanh lưu trú, 2 DN kinh doanh nhà hàng, tiệc cưới có kê khai thu thuế; 64 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống bình dân nhưng trong đó chỉ có 15 hộ kinh doanh dọc bờ kè phía Nam sông Côn (thị trấn Phú Phong) phát sinh doanh thu trên 100 triệu đồng/năm để đóng thuế. Những hộ còn lại đều viện lý do quy mô nhỏ, số thu không đều, nên việc tiến hành quản lý và thực hiện đóng thuế khó khăn.
Nếu chỉ căn cứ trên số liệu báo cáo của ngành Du lịch để áp thuế cho hoạt động kinh doanh dịch vụ đi kèm, sẽ tạo áp lực nặng cho các hộ kinh doanh này. Song, đặc thù kinh doanh sẽ có lợi nhuận theo thời điểm, do đó, cùng với việc tạo điều kiện để phát triển, ngành Thuế phải làm tốt công tác quản lý. Theo đó, ngành Thuế Tây Sơn tiến tới việc thực hiện các cuộc khảo sát, đánh giá thời điểm, để có thể xây dựng mức doanh thu tối thiểu hợp lý với các chủ kinh doanh dịch vụ trên địa bàn huyện. Mức doanh thu tối thiểu này không phải chỉ tạo điều kiện để đảm bảo thu ngân sách, mà còn giúp người nộp thuế hưởng các chính sách ưu đãi về thuế khác, tức là làm sao cho hài hòa giữa nghĩa vụ và lợi ích.
Ở Hoài Nhơn, kinh doanh dịch vụ chủ yếu là quán ăn, quán cà phê và dịch vụ nấu tiệc cưới lưu động. Theo Chi cục Thuế Hoài Nhơn, dịch vụ nấu tiệc cưới ở Hoài Nhơn phát triển rất mạnh, tuy nhiên phần nhiều các cơ sở cung cấp dịch vụ lại thuộc về khu vực gần với huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi). Giữa hai địa phương có sự chênh lệch nhất định trong cách tính thuế nên nhiều chủ cơ sở cung cấp dịch vụ đã đăng ký hoạt động ở phía bên đèo Bình Đê để được giảm thuế, trong khi thực tế vẫn sản xuất, kinh doanh ở bên này đèo. Chủ cơ sở với khách hàng còn thực hiện hợp đồng miệng là chính, nên rất khó có số liệu cụ thể làm cơ sở tính thuế. Theo quy định, cơ sở kinh doanh đạt doanh thu trên 100 triệu đồng mỗi năm trở lên mới phải nộp thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập. Xây dựng mức doanh thu tối thiểu mới là cách hiệu quả để cơ quan thuế tiến hành những giải pháp tiếp theo hiệu quả.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quy Nhơn Trần Hữu Danh trao đổi về tình hình kinh doanh dịch vụ trên địa bàn TP Quy Nhơn tại buổi họp tìm giải pháp chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ do Cục Thuế tỉnh triển khai hôm 16.8 vừa qua.
Nếu nói về kinh doanh dịch vụ, TP Quy Nhơn là trọng tâm để ngành Thuế tập trung các giải pháp quản lý. Theo ông Trần Hữu Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quy Nhơn, Quy Nhơn là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế hoạt động kinh doanh dịch vụ với nhiều phần mềm hữu dụng, như: Phần mềm quản lý lưu trú trực tuyến, phần mềm quản lý kinh doanh xăng dầu, phần mềm quản lý kinh doanh dịch vụ nhà hàng, quán cà phê, phần mềm quản lý kinh doanh hộ khoán… Vấn đề đặt ra là việc kết nối cơ sở dữ liệu giữa cơ quan thuế, cơ quan CA và chủ kinh doanh hiện chưa đạt yêu cầu; việc tiến hành xác minh, kê khai thuế chưa triển khai đồng bộ nên vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Thêm nữa, ở Quy Nhơn, các chủ kinh doanh dịch vụ phải đầu tư chi phí cho việc thuê mặt bằng, giá đất Quy Nhơn khá cao, nhiều chủ cơ sở kinh doanh gặp khó, tình trạng “sáng khai trương chiều đóng cửa” diễn ra tương đối nhiều nên ngành Thuế cũng gặp trở ngại trong việc xác định thuế.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế tỉnh Đào Hữu Phúc, chia sẻ, đặc thù của hoạt động kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh hiện nay hầu hết còn ở quy mô nhỏ, hộ gia đình, số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực này còn khiêm tốn. Bởi vậy, Cục Thuế xác định vừa hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhưng cũng tích cực nuôi nguồn thu, không gây áp lực với chủ cơ sở kinh doanh; cùng với việc động viên tuyên truyền chính sách thuế, tích cực hướng dẫn để thay đổi nhận thức về nghĩa vụ thuế, để khi kinh doanh thuận lợi, đạt hiệu quả, với nhận thức thay đổi, họ sẽ thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.
THU DỊU