Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm:
Kết quả bước đầu
5 năm qua, Chi cục Văn thư – Lưu trữ tỉnh đã nỗ lực thực hiện công tác sưu tầm, thu thập tài liệu quý, hiếm trong và ngoài tỉnh. Qua đó, góp phần vào công tác gìn giữ, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ nói chung và những di sản của tỉnh nói riêng.
Để sưu tầm, thu thập tài liệu quý, hiếm trong tỉnh, Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh (thuộc Sở Nội vụ) đã xây dựng kế hoạch làm việc tại UBND các huyện Tây Sơn, Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ. Đồng thời trực tiếp làm việc với nhiều dòng họ, gia đình, cá nhân tiêu biểu qua các thời kỳ ở các huyện nhằm thống kê số lượng, khối lượng và lập danh mục tài liệu quý, hiếm đang được bảo quản trên địa bàn tỉnh.
Nỗ lực sưu tầm
Ông Phan Minh Lý, Chi cục trưởng Chi cục Văn thư-Lưu trữ tỉnh, cho biết: “Tài liệu quý, hiếm của các gia đình, dòng họ trên địa bàn tỉnh đang có nguy cơ hư hỏng, mất mát trước sự tác động liên tục của tự nhiên và ý thức, trách nhiệm gìn giữ của con người. Đây là vấn đề mang tính cấp thiết đòi hỏi chúng tôi phải cố gắng tổ chức thực hiện việc sưu tầm, thu thập nguồn tài liệu có giá trị lịch sử đạt hiệu quả”.
Thuận lợi ban đầu của công tác sưu tầm hiện vật quý, hiếm là được sự quan tâm của UBND tỉnh. Sở Nội vụ đã ban hành một số văn bản về kinh phí hoạt động và các nội dung chi phục vụ công tác sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm. Tuy nhiên, khó khăn trong quá trình sưu tầm còn nhiều như các sắc phong, gia phả… được các gia đình, dòng họ xem là “đồ gia bảo” nên không tặng, cho, ký gửi hay bán.
Bà Huỳnh Thị Kim Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Văn thư-Lưu trữ tỉnh, kể: “Để thực hiện hiệu quả công tác sưu tầm, chúng tôi trực tiếp đi tìm hiểu thực tế để vận động, thuyết phục người dân thấy được ý nghĩa của việc hiến, tặng, ký gửi, cho scan hoặc bán bản gốc tài liệu quý, hiếm. Mới đây nhất vào tháng 8.2013, nhờ kiên trì vận động bằng nhiều cách khác nhau, chúng tôi không chỉ được cháu gọi Đào Tấn bằng ông cố là ông Đào Tụng Phi (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) cho sao chụp tài liệu quý, hiếm về 9 sắc phong của cụ Đào Tấn, mà còn bất ngờ khi được cung cấp và cho phép sao chụp thêm 6 sắc phong của con trai của cụ Đào Tấn là Đào Nhữ Tuyên…”.
Chi cục Văn thư- Lưu trữ tỉnh hiện đã sưu tầm, thu thập được nhiều tư liệu quý, hiếm như gia phả các dòng họ tiêu biểu; các tài liệu bản gốc gồm các sắc phong, sắc phong thần, gia phả, văn bản đất đai, hồ sơ lý lịch, các di tích, các nhân vật lịch sử như Võ Xán, Võ Văn Dũng, Bùi Thị Xuân, Mai Xuân Thưởng… Các tài liệu sưu tầm được bản sao (sao chụp từ bản gốc) đang lưu giữ tại Bảo tàng Quang Trung, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Bảo tàng huyện Phù Cát, Trung tâm VHTT thị xã An Nhơn như tài liệu về các dòng họ có niên đại đời Cảnh Hưng, Cảnh Thịnh thời Lê, thời Tây Sơn và các triều đại nhà Nguyễn. Các văn bản khế ước mua bán ruộng đất có niên đại từ thời Lê, Tây Sơn…Từ đầu năm 2013 đến nay, Chi cục đã sưu tầm, thu thập được 66 sắc phong thời hậu Lê đến Thiệu Trị ban cho họ Châu, 15 sắc phong của Đào Tấn và con trai Đào Nhữ Tuyên, cùng một số tư liệu quý hiếm về võ cổ truyền.
Với mong muốn sưu tầm, thu thập tài liệu quý, hiếm ở ngoài tỉnh, Chi cục Văn thư- Lưu trữ tỉnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh thảo các văn bản trao đổi, hợp tác với UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế để khảo sát, thống kê, lập danh mục sao chụp, chứng thực 5.552 trang văn bản tài liệu có giá trị trên các lĩnh vực của tỉnh Bình Định thời kỳ chế độ Việt Nam Cộng hòa. Tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn xin phép tiến hành sao chụp 6.136 trang văn bản (128 hồ sơ và 153 bản đồ) tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II ở TP Hồ Chí Minh.
Những tài liệu sưu tầm được Chi cục Văn thư-Lưu trữ tỉnh bảo quản khoa học, đồng thời phục vụ những người có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu theo quy định. Ngày 1.11 vừa qua, Chi cục Văn thư- Lưu trữ tỉnh đã tổ chức trưng bày, triển lãm 35 sắc phong, 20 gia phả, tộc phả; 200 bản đồ; 50 quyển sách quý, hiếm; 155 tấm ảnh chụp qua các thời kỳ lịch sử; tài liệu Hán- Nôm; tài liệu tiếng Pháp; 45 tập thơ của các nhà thơ nổi tiếng như Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan… giới thiệu sơ bộ những kết quả đạt được về hoạt động sưu tầm tài liệu quý, hiếm ở Bình Định. “Triển lãm đã được lãnh đạo Cục Văn thư - Lưu trữ Nhà nước, cùng nhiều đại biểu ở các tỉnh, thành khác đánh giá tốt. Điều này góp phần động viên chúng tôi tiếp tục khắc phục khó khăn để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ…”, bà Huỳnh Thị Kim Hương cho biết.
“Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của tài liệu quý, hiếm đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh đã đặc biệt quan tâm ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác này. Hiện bước đầu cũng đã thu được những kết quả nhất định”. (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà phát biểu tại Hội nghị “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm ở trong nước và những vấn đề đặt ra”).
HOÀI THU