Cho hồn cồng chiêng vang mãi...
Tối 11.9, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn), UBND tỉnh tổ chức Liên hoan Văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Ðịnh lần thứ I - năm 2019. Liên hoan diễn ra trong không khí sôi nổi và thắm đẫm âm vang tự hào.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng trò chuyện với nghệ nhân tại Liên hoan. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Dự Liên hoan có các đồng chí: Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh; Hồ Quốc Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, nguyên lãnh đạo tỉnh; cùng 300 nghệ nhân, diễn viên đến từ 5 huyện miền núi, trung du: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tây Sơn, Hoài Ân và Phù Cát.
Lãnh đạo tỉnh trao cờ lưu niệm cho các đoàn tham dự Liên hoan Văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ I - năm 2019. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Âm vang tự hào
“Đây là lần đầu tiên tỉnh tổ chức liên hoan văn hóa cồng chiêng rộng khắp như vậy. Người Bana Kriêm nói chung và các dân tộc ít người nói riêng vui lắm. Đây cũng là động lực để giữ gìn và phát huy hơn nữa văn nghệ dân gian và văn hóa truyền thống của các dân tộc. Đặc biệt, biểu diễn tại TP Quy Nhơn, niềm vui như nhân đôi vì cồng chiêng không chỉ vọng ở núi rừng mà còn vang lên ở phố biển thân yêu”.
Ông YANG DANH - nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Bana Kriêm
20 giờ, khi không khí trong ngày đã dần lắng đọng, chương trình liên hoan bắt đầu. Từng đoàn nghệ nhân của 3 dân tộc Bana, H’rê, Chăm H’roi ở các huyện đã chuẩn bị sẵn sàng. “Mừng hội rước cồng chiêng” do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh dàn dựng mở đầu cho niềm vui của dân làng khi được tỉnh trao tặng cồng, chiêng mới. Có cồng, có chiêng, dân làng từ nay không lo mỗi lễ hội phải gom góp cho đủ bộ cồng, chiêng để sinh hoạt.
Đây thật sự là ngày hội của núi rừng tại phố biển. Sau tiết mục rước cồng chiêng, 9 đoàn nghệ nhân của các huyện: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tây Sơn, Hoài Ân, Phù Cát lần lượt biểu diễn, trình tấu. Những tiết mục được biểu diễn tại liên hoan đã quen thuộc với dân làng như: Mừng lúa mới, bài biểu diễn trong lễ hội đâm trâu, mừng Bác Hồ, trình diễn chinh túc… Đa số các đoàn nghệ nhân sử dụng cồng chiêng mới để biểu diễn, như minh chứng cho sự hòa nhập các lễ hội, ngày vui của dân làng.
Tiết mục biểu diễn lễ hội đâm trâu của huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Niềm vui của liên hoan lần này còn thể hiện ở tính trao truyền. Huyện Vĩnh Thạnh có hẳn một đội cồng chiêng trẻ đến từ Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT Vĩnh Thạnh; đoàn của huyện Vân Canh cũng có nhiều thanh niên trong đội cồng chiêng, múa xoang, có em chỉ mới học lớp 9. “Chúng tôi đem đến tiết mục mừng lúa mới, luyện tập khá lâu để tham gia. Là một người trẻ yêu thích văn hóa dân tộc mình, tôi mong muốn các bạn trẻ khác cũng vậy. Chưa luyện tập sẽ cảm thấy khó, nhưng tham gia rồi sẽ yêu thích, muốn gắn bó nhiều hơn”, chị Đoàn Thị Trần (xã Canh Hiệp, Vân Canh) chia sẻ.
Từ nghìn đời đã đi vào máu thịt
Tại Liên hoan, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng nhắn nhủ: Đối với đồng bào miền núi, cồng chiêng là biểu tượng của sự linh thiêng cao quý. Tiếng cồng chiêng từ nghìn đời đã đi vào máu thịt của người dân nơi đây, từ lúc mới lọt lòng đã được tiếng cồng chiêng dẫn dắt gia nhập cộng đồng, lớn lên dựng vợ gả chồng và cả đến khi từ giã cõi đời cũng được tiếng cồng chiêng tiễn biệt. Âm vang cồng chiêng bám rễ vào đời sống, được ướp hương thiên nhiên của đất trời.
Đoàn nghệ nhân của huyện Vân Canh mang đến liên hoan tiết mục biểu diễn mừng lúa mới. Ảnh: NGỌC NHUẬN
“Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số lần thứ I được tổ chức nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị, không gian văn hóa cồng chiêng của cộng đồng các dân tộc miền núi trên địa bàn tỉnh; là dịp để các nghệ nhân cồng chiêng được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm phục hồi, truyền dạy và phát huy nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc mình, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc, đóng góp tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Điều đáng mừng, tham gia văn hóa cồng chiêng có không ít người trẻ chính là lớp kế thừa di sản của thế hệ cha ông để lại”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Đề án Hỗ trợ cồng chiêng cho các làng đồng bào dân tộc thiểu số triển khai từ năm 2017. Từ đó, Ban Dân tộc tỉnh cùng các sở, ngành có liên quan đã đến từng thôn, làng nhờ nghệ nhân của địa phương góp ý về đặc điểm âm sắc, kích cỡ, số lượng từng bộ cồng chiêng để phù hợp nhất với bản sắc văn hóa từng nơi. Cứ thế, đoàn khảo sát ròng rã từ địa phương này đến địa phương khác để lại hy vọng và niềm mong chờ trong tâm thức từng người dân. Ngày đó, khi nhắc về cồng chiêng, người dân lại khoe làng mình sắp được nhận bộ cồng, chiêng mới. Tại liên hoan, những câu chuyện về cồng chiêng và công tác trao truyền cho thế hệ trẻ được mọi người kể với nhau trong niềm vui san sẻ. Nghệ nhân Nhân dân Đinh Chương (xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh), người luôn miệt mài vận động, truyền dạy cho thế hệ trẻ, chia sẻ: “Tôi vui lắm vì tỉnh đã tổ chức liên hoan cồng chiêng, bởi không tổ chức thì không giữ gìn được. Bây giờ chỉ mong liên hoan sẽ diễn ra định kỳ để làm động lực cho lớp trẻ luyện tập. Khi các làng nhận được cồng chiêng của tỉnh tặng, ai cũng vui và sinh hoạt rất tốt. Biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bà con có thêm động lực tiếp tục trao truyền vốn văn hóa quý báu của dân tộc mình cho con em”.
Hay như lời tâm sự của vợ chồng nghệ nhân Đinh Vừng và Định Thị Thảo (huyện Phù Cát): “Từ ngày nhận được cồng chiêng, chúng tôi luyện tập, biểu diễn nhiều hơn. Cũng từ ngày đó, chúng tôi vận động thanh niên trong làng tập cồng chiêng, dù chưa được giỏi nhưng thanh niên trong làng biết đánh cồng chiêng là vui rồi!”.
THẢO KHUY