Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp:
Hàng tồn kho giảm, thêm mặt hàng mới
Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp (SXCN) trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực rất lớn trong việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm nên lượng hàng tồn kho giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số DN còn sản xuất thêm mặt hàng mới đưa ra thị trường.
Các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đã tập trung sản xuất các mặt hàng tinh chế để nâng cao giá trị gia tăng.
- Trong ảnh: Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty cổ phần Đông lạnh Quy Nhơn.
Tập trung tìm đầu ra cho sản phẩm
Thời điểm đầu năm 2013, lượng hàng hóa tồn kho của các DN SXCN trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, nhiều DN phải cắt giảm sản xuất. Trước thực trạng này, để tồn tại và phát triển, nhiều DN đã tập trung tìm cách tiêu thụ sản phẩm, giải phóng hàng tồn kho. Ông Mai Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đông lạnh Quy Nhơn, cho biết: “Do đầu ra gặp khó, thời điểm đầu năm, Công ty chúng tôi buộc phải sản xuất cầm chừng. Tuy nhiên, việc làm này chẳng những không giúp cho DN trả được nợ vay mà còn đẩy DN vào chỗ ngày càng khó khăn hơn. Để đảm bảo chiến lược phát triển lâu dài, ổn định lực lượng lao động có tay nghề, chúng tôi phải chấp nhận giảm lợi nhuận, hạ giá bán để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, tuy lợi nhuận giảm mạnh, nhưng DN đã giải phóng được hàng tồn kho và đảm bảo việc làm ổn định cho công nhân”.
Đối với các DN chế biến đá granite, việc mở rộng thị trường, giải quyết hàng tồn kho cũng là vấn đề rất cấp thiết trong giai đoạn vừa qua. Ông Lê Văn Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Khai thác và chế biến đá Bình Định, cho biết: “Chúng tôi đã phân tích cho các DN trong Hiệp hội thấy sự cần thiết phải giải phóng lượng hàng tồn kho và nhiều DN đã tập trung vào việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Ngoài việc tăng cường các biện pháp bán hàng trực tiếp và thông qua các đại lý, một số DN đã từng bước mở rộng thị trường trong nước bằng cách linh hoạt giá bán theo chiều hướng giảm để kích thích sức mua. Nhờ đó, thời gian gần đây một lượng lớn sản phẩm đá granite tồn kho đã được giải phóng, tạo nguồn vốn cho DN tiếp tục sản xuất”.
Bên cạnh sự nỗ lực của các DN, để khơi thông thị trường, Sở Công Thương cũng đã chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ DN trong việc xúc tiến thương mại. Từ đầu năm đến nay, Sở đã hỗ trợ DN trong tỉnh tham gia 5 hội chợ thương mại trong và ngoài nước, qua đó đã ký kết được nhiều đơn hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, Sở cũng đã tư vấn các DN cần chú ý phân loại hàng tồn kho, xem đâu là hàng hóa cần phải giải quyết ngay để thu hồi vốn và đâu là nhóm hàng có thể dự trữ cho thị trường những năm sau. Nhờ các DN tập trung giải quyết đầu ra sản phẩm, thời gian gần đây chỉ số hàng tồn kho của các DN SXCN trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể, tại thời điểm 30.10.2013, giảm 3,24% so với tháng trước và giảm 30,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng thêm mặt hàng mới
Bên cạnh việc giải phóng hàng tồn kho, thời gian qua các DN SXCN trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai nhiều kế hoạch, dự án đổi mới trang thiết bị công nghệ, đa dạng hóa mẫu mã và mặt hàng để đảm bảo phát triển. Ông Hà Minh Oan, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện và Xây lắp Hùng Vương (tại cụm công nghiệp Nhơn Bình), cho biết: “Hiện nay, ngoài các sản phẩm cơ điện, cơ khí truyền thống, đơn vị đang nghiên cứu chế tạo một số thiết bị cơ điện, cơ khí có tính kỹ thuật cao, phục vụ các công trình lớn trong và ngoài nước. Nhờ vậy, ngoài các hợp đồng xây lắp và cung ứng các thiết bị cơ điện, cơ khí cho các đối tác trong và ngoài tỉnh, Công ty đang thi công và cung ứng một số thiết bị cho nhà máy chế biến đường, nhà máy chế biến mủ cao su tại Lào và nhà máy chế biến dầu cọ tại Campuchia”.
Các DN chế biến thủy sản xuất khẩu thì tập trung sản xuất các mặt hàng tinh chế để nâng cao giá trị gia tăng. Ông Mai Ngọc Sơn cho biết: “Bên cạnh việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua chúng tôi còn tập trung khai thác thế mạnh làm hàng chất lượng cao để giữ chân khách hàng truyền thống và thu hút khách hàng mới. Hiện Công ty có khoảng 45 mặt hàng tinh chế, dạng hàng siêu thị ăn liền được sản xuất từ dây chuyền công nghệ mới, hiện đại, chủ yếu cung cấp cho các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ, Úc Hà Lan, Nga và các nước châu Á. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, Công ty vẫn thực hiện kim ngạch xuất khẩu đạt 5,7 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2012”.
Qua thời gian nghiên cứu, nhiều DN chế biến đá granite trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chế biến các mặt hàng mới phục vụ thị trường xuất khẩu. Ngoài sản phẩm đá ốp lát các loại với nhiều kiểu dáng khác nhau dùng để lát nền, ốp tường, các DN còn chế biến các sản phẩm đá thủ công mỹ nghệ, đá trang trí, tượng hình nghệ thuật, đá lát sân vườn, đôn, bàn ghế ngoài trời… Đặc biệt, từ đầu năm 2013 đến nay, một số DN đã ký kết được các đơn hàng cung ứng đá phục vụ các công trình xây dựng ở nước ngoài. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này đã tăng trưởng trở lại, 10 tháng đầu năm 2013 đạt trên 11 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: “Trong thời gian đến, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, chương trình khuyến công, Sở Công Thương hỗ trợ các DN SXCN trong việc nâng cao năng lực sản xuất, tìm kiếm thị trường mới. Ngoài ra, Sở cũng sẽ đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ các DN trên địa bàn tỉnh trong việc triển khai các chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, xem đây là “giấy thông hành” để đưa sản phẩm vào các thị trường mới”.
NGỌC THÁI