Chuyện làm đầu lân ở Tây Sơn
Mê múa lân tới mức 12 năm trước, khi mới 15 tuổi, anh Huỳnh Thanh Hoàng (ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) rủ bạn là Trần Văn Đức cùng theo nghề làm đầu lân. Thời gian đầu, cả hai vào tận TP Hồ Chí Minh học nghề từ những người chuyên làm lân. Khi nắm được cơ bản, Hoàng và Đức tự tìm tòi, học hỏi thêm từ mạng xã hội và sáng tạo thêm. Sau 12 năm miệt mài theo đuổi, sản phẩm của hai anh đã có tiếng ở Tây Sơn.
Anh Huỳnh Thanh Hoàng chăm chút lân trước khi đưa ra thị trường.
Anh Hoàng cho hay, trong các công đoạn làm đầu lân, khó nhất là công đoạn bẻ sườn, thứ đến là công đoạn vẽ trang trí các họa tiết. Những công đoạn khó nhất, đích thân Hoàng và Đức đảm nhận, còn lại khâu gia công thì giao cho thợ làm.
Gọi là thợ nhưng thật ra đây cũng chính là những bạn trẻ hâm mộ nghệ thuật múa lân mà rồi muốn tự tay mình làm những chiếc đầu lân ưng ý nhất. Bạn Trần Khoa, một thợ làm đầu lân cho biết: “Tôi theo anh Hoàng làm lân từ những ngày đầu khi mới 9 tuổi. Ban đầu cũng chỉ vì ham múa lân, nhưng dần dần thấy việc làm ra một chiếc đầu lân đòi hỏi phải khéo léo tỉ mẩn khá nhiều. Khi mình làm được thứ nhất là rất vui, thứ hai là có thể ứng dụng sự khéo léo sang những công việc khác”.
Anh Trần Văn Đức cho biết thêm: “Nhóm sản xuất của tụi mình ai cũng có công việc riêng, nhưng đến mùa Trung thu, các bạn lại tụ họp, tranh thủ thời gian cùng nhau làm đầu lân. Thường thì trong tầm từ tháng 6 đến tháng 8 âm lịch, tụi mình làm được chừng 40 chiếc đầu lân cỡ lớn, giá bán khoảng 1,8 triệu đồng/ chiếc. Xin nói ngay là với mức như vậy thì không lời lãi gì nhiều, nhưng cái được còn lớn hơn là anh em ai cũng vui vẻ. Hơn nữa, chúng tôi thấy trẻ em ngày càng hâm mộ nghệ thuật múa lân nên rất vui”.
ĐINH NGỌC