Các bếp ăn tình thương giảm rác thải nhựa dùng một lần
Hưởng ứng phong trào “nói không” với rác thải nhựa, nhiều bếp ăn tình thương trong tỉnh đang triển khai các hoạt động tích cực. Dù còn không ít lúng túng, song, đội ngũ những người làm tình nguyện tại các bếp ăn vẫn khẳng định sẽ tiếp tục kiên trì, góp sức bảo vệ môi trường.
Tình nguyện viên Bếp ăn tình thương BVĐK tỉnh chia phần thức ăn vào cà mèn của bệnh nhân.
Khước từ cái tiện, gọn
Với số lượng suất cơm cấp phát mỗi lần trên 500 suất cơm, Bếp ăn tình thương BVĐK tỉnh sẽ thải ra môi trường trên 500 hộp xốp đựng cơm, 500 túi nhựa đựng canh, 500 túi nhựa nhỏ đựng đồ xào, thức ăn mặn... và trên 500 túi nhựa để đựng chung cơm, canh, thức ăn mặn, gia vị. Hàng nghìn bì nhựa sử dụng chỉ một lần từ các bếp tình thương đã thải ra môi trường trong nhiều năm như thế. Đến khi, ngành Y tế, BVĐK tỉnh quyết liệt hơn với chương trình giảm rác thải nhựa tại bệnh viện, Bếp ăn tình thương BVĐK tỉnh cũng khẩn trương chuyển mình, từ chối cái tiện, gọn, nhanh của túi nhựa dùng một lần để hướng đến một mục đích lớn lao hơn - giữ gìn, bảo vệ môi trường sống.
Thông qua sự tài trợ của nhiều đơn vị, Phòng Công tác xã hội BVĐK tỉnh đã cấp hơn 500 cà mèn inox đựng cơm cho các trường hợp đau ốm thường xuyên, nằm viện lâu năm ở khoa Nội thận - Lọc máu và khoa Ung bướu. Chị Nguyễn Thị Hoàng Dung, Phó Trưởng phòng Công tác xã hội BVĐK tỉnh, tâm sự: “Mỗi cái cà mèn inox có giá tầm 70.000 đồng. Nhẩm ra, 500 cái tương ứng với số tiền không nhỏ. Có được nhiều nhà tài trợ quan tâm đến vấn đề này, đồng hành cùng, chúng tôi vui mừng vô cùng. Mỗi cà mèn có 3 tầng để đựng thực phẩm, tức là mỗi suất ăn sẽ giảm được 3 - 4 túi nhựa, vừa sạch sẽ, vừa bền vững”.
Những ngày đầu triển khai, Bếp ăn tình thương BVĐK tỉnh gặp không ít những lúng túng. Trước kia, các tình nguyện viên tập trung nấu, tập trung chia cơm thành các suất rồi cấp phát cho người đến nhận. Nay, việc chia cơm diễn ra song song với việc cấp phát. Nhiều người nhà tập trung cùng một lúc làm quy trình cấp phát còn có phần vấp váp, bối rối.
Có người nhà bệnh nhân mới vào viện buồn rầu, tất bật chạy ngược đi tìm vật dụng đựng cơm do chưa biết quy định mới. Vì tìm vội nên vật dụng được đem đến thay thế để đựng thức ăn cũng là vật nhựa dùng một lần như ly nhựa. Chưa kể, vì nhiều bệnh nhân không mang đủ đồ dùng chứa thức ăn, nên các tình nguyện viên linh động múc thức ăn còn thiếu vào túi nhựa. Hoặc, vì dụng cụ không chia ngăn nên tất cả cơm, canh, đồ xào, cá, thịt đều đựng chung; bữa cơm có lẽ vì thế sẽ ít ngon hơn đối với bệnh nhân; tâm ý của người nấu gửi gắm vào từng món ăn cũng sẽ không tròn trịa.
Bà Trần Thị Tuyết, đại diện Ban quản lý Bếp ăn tình thương BVĐK tỉnh, chia sẻ thêm: “Dù còn lúng túng, vất vả khi phải chia dồn dập số lượng suất ăn lớn trong một lúc nhưng các chị tình nguyện viên vẫn rất cố gắng khắc phục, nghiêm túc với quy định mới về dụng cụ đựng thức ăn, tích cực chia sẻ với bệnh nhân và người nhà để họ chuẩn bị đồ đựng thức ăn trước khi đến Bếp nhận cơm. Tôi tin chỉ trong một thời gian ngắn nữa, mọi thứ sẽ ổn định, nhịp nhàng hơn”.
Đã thành nề nếp
Trước Bếp ăn tình thương BVĐK tỉnh, nhiều bếp ăn tại các cơ sở y tế khác trong tỉnh đã chuyển sang đựng thức ăn bằng các vật dụng bền vững hơn. Nhiều năm nay, Bếp ăn tình thương TTYT huyện Tuy Phước, BVĐK khu vực Phú Phong yêu cầu người đến nhận cơm tại Bếp phải mang theo vật dụng cá nhân. 3 tháng gần đây, Bếp ăn tình thương BVĐK khu vực Bồng Sơn cũng áp dụng yêu cầu, bệnh nhân đến nhận cơm, cháo tại Bếp đều phải mang theo dụng cụ đựng.
Một số bếp có cơ ngơi rộng, thoáng còn trang bị thêm khay để phục vụ bệnh nhân ăn tại chỗ. Bà Ngô Thị Kim Anh, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Hoài Ân, Ban quản lý Bếp ăn tình thương TTYT huyện Hoài Ân, cho biết: “Bếp thành lập tháng 5.2018 thì 2 tháng sau, chúng tôi quyết định trang bị 150 khay inox để chứa các suất ăn tại chỗ cho bệnh nhân nghèo vì cảm thấy thức ăn đựng trong hộp xốp và các túi nhựa không an toàn. Việc dùng khay lúc đầu cũng không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn bởi các tình nguyện viên sau khi nấu xong còn phải thêm khâu rửa khay, trong khi các chị việc nhà bề bộn. Nhưng rồi, chúng tôi thuyết phục nhiều lần về tính vệ sinh, an toàn, lại thêm bảo vệ môi trường thì dần dần mọi người vui vẻ làm theo. Hơn một năm nay, rác thải nhựa từ Bếp rất ít”.
Ngoài giảm thiểu rác thải nhựa từ dụng cụ đựng thức ăn, các bếp ăn tình thương cũng ý thức giảm thiểu rác thải nhựa từ mua nguyên vật liệu. Ông Nguyễn Văn Tri, Phó Chủ tịch Hội CTĐ huyện Hoài Nhơn, Trưởng Ban quản lý Bếp ăn tình thương BVĐK khu vực Bồng Sơn, trao đổi: “Các anh, chị tình nguyện viên của Bếp cũng ý thức rất cao về việc giảm rác thải nhựa sau khi tuyên truyền. Dụng cụ đi chợ là giỏ nhựa, sọt tre, làn, hộp... Hầu như không còn túi nhựa trong việc đi chợ nữa. Hy vọng, mỗi hành động của chúng tôi sẽ góp phần thực hiện mục tiêu chung bảo vệ môi trường”.
NGUYỄN MUỘI