Thực phẩm an toàn sản xuất tại Bình Ðịnh: Sức hấp dẫn đang tăng nhanh
Hiện nay, rất nhiều loại lương thực, thực phẩm, rau củ quả được sản xuất tại Bình Ðịnh với định hướng an toàn được người tiêu dùng chọn sử dụng, như: gạo BC 15, nếp Bàu Chánh Trạch, dầu phụng, nước mắm, rau củ quả, trái cây, mè, đậu, bánh tráng…
Sản phẩm trái cây an toàn của Công ty TNHH Gia vị nhiệt đới được người dân ủng hộ nhiệt tình tại Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp - sáng tạo năm 2019.
Tháng 8 vừa rồi, có mặt tại các gian hàng trưng bày sản phẩm do hội viên Hội LHPN các huyện, thị, thành phố sản xuất tại Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp - sáng tạo năm 2019, trong vòng “một nốt nhạt” toàn bộ các sản phẩm bày bán tại các gian hàng đã được mua sạch. Trong niềm vui bất ngờ, nhiều chủ gian hàng chia sẻ: Thật sự là hết sạch, không còn một chút hàng mẫu luôn. Mức độ tín nhiệm cao hơn dự kiến quá nhiều, khiến nhân viên nhiều gian hàng như: trái cây đạt tiêu chuẩn VietGAP của Công ty TNHH Gia vị nhiệt đới; rau an toàn HTX Phước Hiệp (Tuy Phước) phải xin lỗi, nhận đơn hàng và xin giao vào ngày hôm sau.
Nhu cầu được dùng sản phẩm an toàn, sạch của người tiêu dùng ngày càng cao. Toàn tỉnh có 45 DN, cơ sở đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn, sạch nhưng việc quảng bá, tổ chức đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng còn yếu. Hiện chỉ có khoảng 10 DN, cơ sở có thể đưa sản phẩm vào siêu thị Co.opmart Quy Nhơn, Co.opmart An Nhơn, Co.op Food, Big C.
Tương tự, các loại rau an toàn của HTX NN Thuận Nghĩa (Tây Sơn), các sản phẩm chiết xuất, chế biến từ dừa của HTX Ngọc An (Hoài Nhơn), cơ sở nem chả Ngọc Liễu (Hoài Ân), bánh dừa nướng của Công ty TNHH Sachi Nguyễn (Hoài Nhơn)… vì ở xa nên không thể cung cấp kịp nguồn hàng cho khách. Nhưng khác với các đơn vị có sản phẩm ở trên, đây là nhóm không thể nhận đơn hàng giao vào hôm sau, bởi năng lực cũng như kế hoạch sản xuất đã theo hệ thống, không dễ tăng sản lượng ngẫu hứng. Hơn nữa, theo một số khách hàng, có lẽ đây là hàng đưa đi dự hội nghị quan trọng nên bao bì được chăm sóc rất đẹp.
Trong niềm hân hoan, chị Lê Thị Liễu, chủ cơ sở nem chả Ngọc Liễu cho biết: “So với ngày hội năm 2018, chúng tôi đã đưa đến đây lượng hàng hóa gấp đôi năm ngoái nhưng vừa khai mạc xong thì gian hàng đã trống trơn. Đây là tín hiệu đáng mừng để tôi có thể mạnh dạn tìm đối tác phân phối ở đây”.
Với sự hỗ trợ của Sở Công Thương, Sở KH&CN, một số cửa hàng bày bán, giới thiệu các sản phẩm Bình Định đã được mở ra ở các huyện Hoài Ân, Phù Cát và TP Quy Nhơn. Từ những cửa hàng giới thiệu như thế, nhiều người đã có cơ hội tìm hiểu kỹ lưỡng các sản phẩm địa phương. Chị Nguyễn Thị Hạnh, ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn cho biết: “Tôi đã thử sử dụng và thấy một số loại sản phẩm như bún khô, dầu phụng, trà dung do các cơ sở ở Bình Định sản xuất có chất lượng khá tốt, giá cả lại phù hợp. Chỉ có điều vì đây là sản phẩm địa phương, cơ sở sản xuất chủ yếu ở các huyện, mỗi khi có nhu cầu phải nhờ người quen ở đó mua giúp, rất bất tiện. Gần đây, cửa hàng ở Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, Sở KH&CN, 386 đường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn bắt đầu bày bán khá nhiều nên tôi đã thông báo với người thân, bạn bè biết. Dù lượng sản phẩm chưa được phong phú lắm nhưng tôi tin khi tích cực tiếp cận người tiêu dùng như vậy, hàng hóa Bình Định sẽ có cơ hội phát triển rất lớn”.
Ông Lê Anh Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Tam Quan cho biết: Khuynh hướng kinh doanh thời hiện đại đã thay đổi, DN phải có chiến lược truyền thông, quảng bá mạnh mẽ, hiệu quả, phải tạo và nhấn mạnh được điểm cá biệt của mình, mới mong có được doanh thu tốt. Với suy nghĩ đó, chúng tôi đang gầy dựng thương hiệu sản phẩm yến hũ, yến chưng Taquanest. Đây là những sản phẩm từ yến sào hoàn chỉnh theo quy trình khép kín của chúng tôi từ khâu chăn nuôi - thu hoạch - chế biến - cung ứng cho thị trường sản phẩm cuối cùng. Để người tiêu dùng biết đến sự tồn tại của mình, DN phải tìm cách đưa sản phẩm đến tận mắt, tận tai họ.
Trong dịp tham gia chương trình kết nối cung cầu tại TP Quy Nhơn do Sở Công Thương tổ chức, ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc DNTN Siêu thị Tứ Sơn (một DN lớn của tỉnh An Giang được Bộ Công Thương đánh giá cao trong việc cung ứng, phân phối 100% sản phẩm Việt Nam) chia sẻ: “Sản phẩm của Bình Định có chất lượng tốt. Một số sản phẩm được cơ sở, DN đầu tư bao bì tương đối đẹp, giá cả rẻ hơn 10 - 20% so với các sản phẩm ở địa phương khác. Nhưng các DN, cơ sở ở Bình Định nên đầu tư nhiều hơn để nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã… bắt kịp thị hiếu của người tiêu dùng từng vùng, miền trong cả nước. Sau sự hỗ trợ của chính quyền, cơ quan chức năng, các DN, cơ sở cần chủ động tự tìm kiếm nhà phân phối, quảng cáo đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng tạo thương hiệu mới phát triển được”.
Do đó, để sản phẩm “made in Bình Định” được chính người Bình Định nói riêng, người tiêu dùng nói chung tin dùng, các DN, cơ sở cần nỗ lực tự vươn lên trong khâu quảng bá thương hiệu. Các cơ quan chức năng, sở, ban, ngành cần có hoạt động phối hợp, hỗ trợ tạo ngày hội, giới thiệu sản phẩm như hội chợ nhỏ để người tiêu dùng mua sử dụng thử.
HẢI YẾN