Cảnh báo gia tăng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm
Tác động của biến đổi khí hậu, tính chu kỳ dịch bệnh, biến chuyển của các tác nhân gây bệnh, gia tăng giao lưu giữa các vùng miền, tụt giảm tỷ lệ tiêm chủng vắc xin… là những yếu tố cơ bản làm gia tăng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp
Khoa Truyền nhiễm (BVĐK tỉnh) hiện điều trị 40 - 50 ca bệnh nặng và phức tạp, trong đó sốt xuất huyết chiếm gần một nửa. “Bình Định đang vào mùa mưa, bệnh truyền nhiễm đáng ngại nhất là sốt xuất huyết ở cả trẻ em và người lớn. Trẻ còn phải đối diện với nguy cơ gia tăng bệnh tay chân miệng, sởi, quai bị”, bác sĩ Trưởng khoa Phạm Châu Duy khuyến cáo.
Điều trị trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại BVĐK tỉnh.
Bé N.T.K (2 tuổi, ở xã Vĩnh Thuận, Vĩnh Thạnh) được chuyển viện đến BVĐK tỉnh với những triệu chứng điển hình của bệnh tay chân miệng: Sốt cao, loét miệng, nổi bóng nước lòng bàn tay, bàn chân… Chị Lê Khánh Trâm, mẹ của bé K., cho hay: “Vào TP Hồ Chí Minh chơi vài ngày rồi về quê thì con tôi phát bệnh”.
Bác sĩ CKII Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh) nhấn mạnh: Đầu năm học mới là thời điểm có xu hướng gia tăng các bệnh tay chân miệng, quai bị, thủy đậu, sởi. Một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng quay trở lại như bạch hầu, sởi, ho gà, viêm não... Với những bệnh không có vắc xin như sốt xuất huyết, tay chân miệng, ý thức phòng bệnh của người dân chưa tốt.
Theo ThS Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), năm 2019, diễn biến một số bệnh truyền nhiễm tương đối phức tạp. Toàn tỉnh đã có hơn 4.330 ca bệnh sốt xuất huyết, gấp 4,24 lần cùng kỳ năm trước. Bệnh tay chân miệng có 210 ca mắc ở trẻ. Các bệnh trong tiêm chủng mở rộng tăng 18 ca bệnh sởi, 5 ca ho gà - đây là điều bất thường, cho thấy bệnh này đang quay trở lại. Nguy cơ xâm nhập các bệnh bại liệt, bạch hầu, viêm não Nhật Bản, uốn ván sơ sinh vào Bình Định rất cao, nhất là khi tỷ lệ tiêm chủng tụt giảm.
Chủ động phòng ngừa
ThS Bùi Ngọc Lân cho hay, có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm. Đáng chú ý, đối với các bệnh trong tiêm chủng mở rộng, một phần là do nhiều trẻ chưa được tiêm chủng, hoặc chưa có miễn dịch, dẫn đến hình thành các quần thể không có miễn dịch với bệnh. Một số người dân lo ngại phản ứng sau tiêm chủng, không cho trẻ đi tiêm. Nguy hiểm hơn, một số người còn phát động “tẩy chay” vắc xin, đây là nỗi lo của ngành Y tế đối với sức khỏe của trẻ.
Ngành Y tế xác định tập trung nguồn lực khống chế và dập tắt dịch sốt xuất huyết, khống chế sự gia tăng của bệnh sốt rét, không để tử vong do bệnh dại và khống chế không để xảy ra các dịch bệnh trong tiêm chủng mở rộng. Trên cơ sở đó, tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung vắc xin bạch hầu, uốn ván giảm liều cho trẻ 7 tuổi tại tất cả trường tiểu học và tại cộng đồng; chốt trẻ 36 - 60 tháng tuổi để tiêm bổ sung vắc xin viêm não Nhật Bản. Trạm y tế tuyến xã điều tra, rà soát để tiêm bù, tiêm vét cho trẻ…
“Đồng thời, ngành Y tế tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh truyền thông về lợi ích của tiêm chủng, vận động các gia đình chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Củng cố, nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an toàn trong tiêm chủng”, ông Lân nhấn mạnh.
Các bác sĩ khuyến cáo, từng cá nhân và hộ gia đình cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, môi trường, ăn uống; đến ngay cơ sở y tế khi có bất thường về sức khỏe.
Mùa mưa, cẩn trọng bệnh Whitmore
Các chuyên gia y tế đang phát đi cảnh báo về căn bệnh nguy hiểm Whitmore. Whitmore (còn gọi bệnh Melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Bệnh thường gặp vào mùa mưa; bệnh cảnh lâm sàng đa dạng như nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, áp xe, viêm tủy xương, viêm tuyến mang tai…; tiến triển và gây tử vong nhanh. Năm 2017 đến nay, khoa Truyền nhiễm (BVÐK tỉnh) đã điều trị khoảng 20 trường hợp.
Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh như tiểu đường, thiếu máu, ngộ độc rượu, hoặc bệnh thận và thường xuyên có tiền sử phơi nhiễm bệnh nghề nghiệp khi tiếp xúc với bùn, nước bề mặt được đào xới. Tuy vậy, người khỏe mạnh, kể cả trẻ em cũng có thể mắc bệnh Whitmore. “Phải xác định chính xác, điều trị đúng bệnh và điều trị dự phòng ít nhất 3 tháng sau đó, nếu không bệnh dễ tái phát dẫn đến tử vong”, bác sĩ Phạm Châu Duy lưu ý.
MAI HOÀNG