Hãy trả lại tiếng trống lân
Tết Trung thu là dịp để các gia đình có dịp sum vầy bên mâm cỗ đêm rằm và ngắm trăng. Đây là dịp để trẻ con được tha hồ ăn bánh kẹo, nô đùa, tung tăng xách đèn lồng dạo chơi, xem múa lân. Cũng như các em bây giờ, tôi thích xem lân tự thuở nhỏ. Kể cả bây giờ khi đã không còn trẻ thì tiếng trống lân và hình ảnh những chú lân vẫn có sức hút rất lớn với tôi. Chỉ cần nghe tiếng trống lân là biết lân đang diễn thế nào. Trống đánh dồn dập là báo hiệu ông địa đã được gia chủ đồng ý mời vào nhà, trống cắc tùng là lân múa liên chân, trống chậm nhịp, nhẹ dịu là đoạn lân ngủ, rồi ông địa gãi gãi mời lân dậy, trống đánh 3 hồi là lân cáo gia chủ để sang nhà khác….
Trung thu năm nay, ở làng quê chúng tôi, rất ít ai biết là lân đang qua nhà mình hay lân đang ở đâu đó trong làng, trong xóm mình. Bởi lẽ, nhiều đoàn lân bây giờ không sử dụng trống, không “cắc tùng” như ngày trước mà thay vào đó là tiếng nhạc xập xình được phát ra từ những chiếc loa kéo tay (ảnh). Nhạc loạn xị, rồi bọn trẻ cầm lân nhảy “cải tiến”, truyền thống không phải, nhảy hiện đại thì càng không, khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, nhưng đâu có nghĩa là lân phải “đổi mới” như vậy. Chúng tôi mong các bạn trẻ hãy trả lại cho lân tiếng trống “Thùng thình, thùng thình trống rộn ràng ngoài đình. Có con sư tử vui múa quanh vòng quanh. Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng...”. Đó là hình ảnh bao đời nay của múa lân sư rồng, để ngày Tết Trung thu vẹn nguyên ý nghĩa.
ĐINH NGỌC