“Về cái tinh thần trong nghệ thuật”
Về cái tinh thần trong nghệ thuật của danh họa, nhà nghiên cứu Kandinsky, do các dịch giả Ngụy Hữu Tâm và Trần Vinh dịch từ nguyên bản tiếng Đức; đồng thời, sách còn được 2 chuyên gia, nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt, Phạm Long hiệu đính, bổ sung theo bản tiếng Pháp, tiếng Anh… Sách do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành. Đây là một tập sách hay, hữu ích với những người yêu nghệ thuật và cả các nhà sáng tạo nghệ thuật.
Kandinsky dành khoảng hơn 2/3 số trang để giới thiệu vấn đề liên quan đến “cái tinh thần trong nghệ thuật”, như: Chuyển động; tác dụng của màu sắc; ngôn ngữ của hình và màu; tác phẩm nghệ thuật và người nghệ sĩ… Trong phần tiểu sử tự thuật, Kandinsky đã xác định: “Thức tỉnh, bằng những cái không còn nữa, năng lực ấy tạo ra sự trải nghiệm của tinh thần về những sự vật cụ thể và những sự vật trừu tượng, [một] năng lực [làm cho] hoan hỉ và [mang tính] nhất thiết dành cho tương lai”. Ngay từ khi đọc bản thảo cuốn sách, nhà nghiên cứu Kubin đã viết: “Những tư tưởng ở đây là hoàn toàn độc đáo, thường được rút ra từ những nơi sâu thẳm nhất. Nó nói với chúng ta rằng, màu sắc là vô cùng hấp dẫn”.
Kandinsky Wassily (1866 - 1944) là danh họa, nhà nghiên cứu Pháp, gốc Nga, người khởi xướng cho nghệ thuật trừu tượng, qua đời ngày 13.12.1944 tại Neuilly-sur-Seine, Paris (Pháp).
Về cái tinh thần trong nghệ thuật là cuốn sách lý thuyết đầu tiên và quan trọng nhất của Kandinsky, và cũng là một trong số ít cuốn sách lý thuyết quan trọng nhất trong lịch sử nghệ thuật thế giới, mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Theo nhiều nhà nghiên cứu, Kandinsky là người Nga, đối với “phương Tây” thì ông là “người phương Đông”. Trong khi đó, các nhà sử học, đặc biệt sử học nghệ thuật thì cho rằng: Theo định kỳ, từ phương Đông, vẫn có những luồng gió tư tưởng và trí tuệ mới thổi sang. Cuốn sách Về cái tinh thần trong nghệ thuật có thể là một trong những trường hợp như thế…
Về cái tinh thần trong nghệ thuật đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và được hàng triệu người yêu nghệ thuật đón nhận, được nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật đánh giá cao. Nhà nghiên cứu André Breton đánh giá: “Kandinsky là một trong những nhà cách mạng xuất chúng nhất, vĩ đại nhất về tầm nhìn”. Nhà nghiên cứu Donald Kuspit thì viết: “Về cái tinh thần trong nghệ thuật là Kinh thánh của nghệ thuật trừu tượng”. Còn nhà nghiên cứu The Indepenent thì khẳng định: “Đây là một cuốn sách gieo mầm”.
VIẾT HIỀN