Quan tâm hơn thị trường đồ gỗ nội địa
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lâm sản Việt Nam (Vifores), dù suy thoái kinh tế nhưng kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2013 vẫn tăng 2 con số, khoảng 12%, ước đạt 5,3 - 5,5 tỷ USD. Các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, Nhà nước nên có chính sách ưu tiên hơn nữa đối với thị trường nội địa vốn giàu tiềm năng.
Tăng diện tích rừng trồng
Hơn 10 năm qua, ngành chế biến gỗ có bước phát triển rất mạnh. Kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đạt 4,57 tỷ USD, tăng gần 200% so với năm 2007. Việt Nam là nước chế biến gỗ số 1 Đông Nam Á, số 2 châu Á và số 6 thế giới. Hiện cả nước có 3.900 doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ với khoảng 300.000 lao động, 95% trong số này là DN tư nhân, gồm cả DN nước ngoài (FDI). Dù chỉ chiếm 10% về số lượng nhưng DN FDI lại có vai trò quan trọng, chiếm 35% về kim ngạch xuất khẩu, với thiết bị hiện đại, chất lượng sản phẩm cao, ổn định. Năng lực chế biến gỗ khoảng 15 triệu m3 gỗ tròn/năm, chủ yếu nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu chế biến. Nguyên liệu gỗ nhập khẩu tăng mạnh, kim ngạch tăng từ 151 triệu USD năm 2000 lên 1,3 tỷ USD năm 2011.
Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, xu hướng các nước là giảm dần xuất khẩu nguyên liệu gỗ tròn và việc hợp pháp hóa gỗ nguyên liệu ngày càng chặt chẽ ở những nước nhập khẩu. Đây là thách thức nhưng cũng là động lực để ngành chế biến gỗ quay lại thị trường nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước. 2 năm qua, kim ngạch nhập khẩu gỗ giảm dần, năm 2012 chỉ bằng 90% so với năm 2011. Dự báo giai đoạn năm 2010 - 2030, lượng nguyên liệu gỗ nhập khẩu giảm còn 40% và 25% nhu cầu. Thay vào đó là tăng gỗ rừng trồng trong nước.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, chính sự phát triển ngành chế biến gỗ là động lực phát triển diện tích rừng trồng, cũng như những thị trường chính trên thế giới là châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Australia… đang ngày càng thắt chặt những quy định về nguồn gốc nguyên liệu gỗ chế biến như luật FLEGHT, LACEY hay AILPA. Nhưng để việc sử dụng gỗ trồng trong nước một cách hợp lý, hài hòa quyền lợi các bên, cần sớm hình thành các chuỗi cung ứng, kết nối giữa người dân, DN trồng rừng với DN chế biến và xuất khẩu, qua đó từng bước tiến tới hạn chế việc xuất khẩu gỗ dăm, cũng như có nghiên cứu để tạo ra giống cây rừng chất lượng hơn. Điều này rất cần thiết vì hiện nay chất lượng cây keo tai tượng và bạch đàn trồng ở Việt Nam thua kém nhiều nước.
TPP - thách thức và cơ hội
Vifores cho rằng, bên cạnh việc tăng kim ngạch xuất khẩu nhưng trong giai đoạn suy thoái kinh tế hiện nay, các DN chế biến gỗ cũng bắt đầu nhìn nhận lại thị trường trong nước với 90 triệu dân, rất tiềm năng, ước tính khoảng 2 tỷ USD/năm. Hiện nay thị trường này hầu như phó mặc cho làng nghề, các DN vừa và nhỏ với đồ gỗ nội thất, mỹ nghệ và phục vụ xây dựng là những nhóm được tiêu thụ mạnh nhưng chất lượng không đồng đều, mẫu mã hạn chế. Ngoài ra, đồ gỗ nước ngoài có xu hướng xâm nhập thị trường Việt Nam, như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc... Đó là chưa kể tác động của TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương), hàng nội thất sẽ còn vào Việt Nam nhiều hơn, với chất lượng ổn định, mẫu mã đa dạng. Vì vậy, nếu không kịp thời chuẩn bị sẽ bị động sau này. Hiện nay các DN lớn đã vào cuộc. Tuy nhiên, khi gia nhập TPP cũng không ít cơ hội cho ngành chế biến gỗ, đây là dịp để đổi mới thiết bị, công nghệ nhờ được miễn thuế. Những khó khăn khi trở về thị trường nội địa hiện nay không hề nhỏ. Ba khó khăn dễ thấy nhất, đó là: Nhà nước gần như chưa có chính sách phát triển ngành chế biến gỗ phục vụ nội địa. Hơn chục năm nay, Nhà nước chỉ chú trọng và tạo điều kiện cho việc xuất khẩu sản phẩm gỗ, như được miễn thuế… trong khi DN chế biến tiêu thụ nội địa phải đóng thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%... Cái khó thứ hai là kênh phân phối hoàn toàn tự phát, DN muốn tiêu thụ hàng nội địa, không chỉ chế biến, mà còn phải tự vận chuyển, tìm nơi tiêu thụ. Hầu như phải tự làm tất cả và không ai ký hợp đồng dài hạn, trong khi với việc xuất khẩu, DN luôn có hợp đồng ổn định với số lượng khá lớn, việc phân phối có nhà nhập khẩu lo. Vì vậy, để mở rộng thị trường nội địa, trước hết Nhà nước phải có chính sách phù hợp, giúp DN yên tâm tìm về thị trường nội địa.
. Theo ĐĂNG LÃM (SGGP)