Ðiểm sáng Vĩnh Thuận
Xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh) thành lập năm 2006 trên cơ sở nhập một phần của xã Vĩnh Quang và một số hộ dân tái định cư từ xã Vĩnh Kim; phần đông dân cư là người Bana. Xã mới thường có nhiều khó khăn, nhưng đến nay, đây lại là xã duy nhất của huyện có trường mầm non, trường liên cấp tiểu học và THCS học tập trung tại 1 điểm trường. Ðồng thời trường mầm non xã còn tổ chức thành công mô hình bán trú.
Người dân, nhà trường và chính quyền đồng lòng
Xã Vĩnh Thuận có 8 làng, trước đây mỗi làng có một điểm trường, mỗi điểm trường có 2 phòng học (gồm cả 3 cấp học là mầm non, tiểu học, THCS). Nhận thấy việc dạy học không tập trung ảnh hưởng không tốt đến việc học cũng như các hoạt động khác, Ban giám hiệu trường đề xuất xin kinh phí xây dựng 1 điểm chính, bỏ các điểm lẻ để dạy học tập trung. Đề án này bất ngờ được chính quyền địa phương và cả các phụ huynh đồng lòng ủng hộ, thống nhất cao. Đến năm 2009, cấp mầm non tách ra thành lập Trường mầm non Vĩnh Thuận. Các cô giáo phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân đưa tất cả trẻ trong độ tuổi đến trường. Từ tháng 7 - 9.2009, Trường vận động được 110 trẻ từ 25 tháng tuổi đến 5 tuổi đến trường.
Lớp học Trường Tiểu học & THCS Vĩnh Thuận khang trang, rộng rãi.
Ông Đỗ Công Định, Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Vĩnh Thuận, người gắn bó với ngôi trường từ ngày mới thành lập, chia sẻ: Nghĩ đến các thế hệ học trò sẽ có điều kiện học tập, sinh hoạt tốt hơn, chúng tôi đề nghị tập trung xây dựng 1 điểm chính, là nơi đi lại thuận tiện nhất đối với các làng và bỏ các điểm khác. Phụ huynh cũng mong muốn con mình được học nơi khang trang hơn nên cũng ủng hộ, đưa đón học sinh đúng giờ.
“Để công tác dạy và học được thuận lợi, vận động học sinh đến trường và người dân đưa trẻ đến trường đúng độ tuổi, xã chỉ đạo từ cấp ủy chi bộ của thôn sau đó triển khai vận động các hộ gia đình, cán bộ làm gương. Từ 2007 mọi thứ đã dần trở vào nền nếp. Chúng tôi sẽ phát huy trong thời gian tới để tiếp tục duy trì những kết quả đã đạt được, giúp con em mình được học tập và có môi trường học tập, sinh hoạt tốt”, ông Đinh Văn Sao, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận, cho biết.
Trước hết phải tốt hơn cho học sinh
Sau 10 năm hoạt động độc lập, Trường mầm non Vĩnh Thuận là địa chỉ tin cậy của phụ huynh. Đây là trường đầu tiên trong toàn tỉnh tổ chức thành công mô hình bán trú cho trẻ em dân tộc thiểu số từ 13 tháng tuổi đến 5 tuổi. Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Đến nay, nhận thức của phụ huynh đã dần nâng cao, việc vận động trẻ đến trường không còn vất vả như trước. Vì không phải theo mẹ lên rẫy nên thể trạng các bé khá hơn, người dân cũng nhận thấy được những lợi ích khi cho con đến trường đúng độ tuổi nên dần tự giác. Ngoài việc được học tập, vui chơi, các cháu 5 tuổi còn tập kỹ năng tự phục vụ như lấy chén ăn cơm, trải chiếu, lấy gối để ngủ... Đa số phụ huynh đều vui vẻ vì con mình biết tự giác ngay cả khi ở nhà.
Hiện tại Trường Tiểu học & THCS Vĩnh Thuận có 107 học sinh THCS, 165 học sinh tiểu học, phòng học khang trang, có sân chơi thể thao. Thầy Đỗ Công Định chia sẻ thêm: “Ở điểm trường lẻ, rất khó quản lý sâu sát việc học tập của các em. Hơn nữa vì có ít học sinh nên tinh thần thi đua học tập, dạy học của học sinh, thầy cô ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Dù biết đối với học sinh miền núi, các em đến trường đầy đủ đã là điều đáng mừng nhưng nhờ học tập trung, tinh thần học các em được nâng cao hơn. Đồng thời để tạo niềm háo hức cho học sinh, trường tổ chức các hoạt động thể thao, hát múa, dân vũ, các buổi học kỹ năng”.
Em Đinh Thị Nguyện, học sinh lớp 7, Trường Tiểu học & THCS Vĩnh Thuận, bày tỏ: Em thích đến trường vì em thấy vui hơn ở nhà, em thích học môn Ngữ văn, em cũng thích đọc sách, em thường lên thư viện đọc sách vào giờ ra chơi và mượn thêm truyện để về nhà đọc.
THẢO KHUY