ÐỐI THOẠI VỚI NGƯỜI DÂN THÔN 4, XÃ BÌNH NGHI VỀ DỰ ÁN TRANG TRẠI CHĂN NUÔI HEO:
Phát triển kinh tế luôn đi cùng bảo vệ môi trường
Ngày 17.9, UBND huyện Tây Sơn tổ chức đối thoại với người dân thôn 4, xã Bình Nghi về Dự án trang trại chăn nuôi heo của Công ty TNHH New Hope Bình Ðịnh đóng tại địa phương. Dù kết quả đối thoại chưa như mong muốn, nhưng với sự có mặt và giải thích của lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh, cơ bản người dân đã nắm được bản chất của vấn đề và giải tỏa phần nào bức xúc.
Phản đối vì sợ ô nhiễm môi trường
Hơn 2 tháng nay, người dân thôn 4 đã lập các chốt chặn trên các tuyến đường vào thôn và kéo đến công trường Dự án trang trại chăn nuôi heo của Công ty TNHH New Hope Bình Định cản trở vì cho rằng quá trình thi công dự án, xe chở vật liệu quá tải trọng, chạy tốc độ nhanh làm hư hỏng đường, tiềm ẩn nguy cơ TNGT và dự án hoàn thành sẽ gây ô nhiễm môi trường.
Người dân nêu kiến nghị tại buổi đối thoại
Buổi đối thoại này - diễn ra tại Hội trường UBND xã Bình Nghi - người dân đề nghị chính quyền nói trước, dân ý kiến sau.
Ông Nguyễn Phúc Ánh bày tỏ: “Làm dự án phải đảm bảo vấn đề môi trường và nên công khai cho người dân biết, hiểu rõ để có sự đồng thuận. Lâu nay người dân sống ổn định không có vấn đề gì, giờ trang trại làm ở đầu nguồn nước, nếu ô nhiễm nguồn nước thì người dân biết sống sao”. Đã có những người dân tỏ thái độ khá gay gắt, như bà Phạm Thị Lệ: “Có ai dám đứng ra đảm bảo dự án này sẽ không gây ô nhiễm hay không? Nếu xây dựng trang trại tại đây thì hãy dời nhân dân thôn 4 đi nơi khác”.
Giải thích với người dân tại buổi đối thoại, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho rằng việc xây dựng Dự án trang trại chăn nuôi heo của Công ty TNHH New Hope Bình Định là cần thiết nhằm phát triển kinh tế của địa phương. “Địa điểm xây dựng trang trại (trước đây quy hoạch là khu vực chăn nuôi tập trung - PV) cũng phù hợp với quy hoạch của xã Bình Nghi đã được phê duyệt. Hơn nữa, tôi chưa thấy có dự án nào về chăn nuôi của tỉnh mà có hệ thống xử lý nước thải hiện đại như dự án này. Toàn bộ nước thải đều được đi vào đường ống, các bể chứa bằng bê tông có chống thấm, không để rơi vãi ra đất. Công ty cũng rất lắng nghe ý kiến nhân dân bởi vị trí trang trại cách nhà dân gần nhất 150 m, ban đầu công ty có xây dựng 2 hầm nước (chứa nước mặt), nhưng vì người dân lo sợ nên công ty đã chuyển 2 hầm nước ra khu vực sát núi. Với nhiệm vụ được giao, chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của công ty, không để xảy ra vấn đề ô nhiễm môi trường”, ông Hùng cho biết thêm.
Buổi đối thoại với người dân thôn 4 do UBND huyện Tây Sơn tổ chức vào ngày 17.9.
Còn ông Cố Tuấn Kiệt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH New Hope Bình Định, bày tỏ: “Tôn chỉ của công ty là mọi hoạt động đều phải thượng tôn pháp luật và tôn trọng ý kiến của người dân. Đến thời điểm này công ty đã đầu tư 5 triệu USD vào dự án và riêng hệ thống xử lý nước thải đã tốn 3 triệu USD. Chúng tôi đầu tư dự án này trong thời gian 50 năm nên xác định bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mình và cũng cam kết dự án sẽ không ảnh hưởng gì đến môi trường, đời sống của người dân và sẽ tạo công ăn việc làm cho con em ở địa phương”.
Ðể người dân giám sát dự án
Khẳng định quan điểm của lãnh đạo tỉnh là phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, bà Hà Thị Thanh Hương, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), cho biết đơn vị rất kỹ lưỡng trong đánh giá tác động môi trường các dự án.
Dự án trang trại chăn nuôi heo theo công nghệ cao khép kín của Công ty TNHH New Hope Bình Ðịnh được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư số 7660990617 vào ngày 19.12.2017. Dự án được triển khai xây dựng vào cuối tháng 6 năm nay tại thôn 4, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn với tổng mức đầu tư gần 448 tỷ đồng, diện tích hơn 23 ha. Dự án có quy mô 600 heo cụ, kỵ; 2.400 heo ông, bà; 51.000 heo sữa trên; thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.
Bà Hương cho biết: Đối với dự án này, chúng tôi thành lập hội đồng thẩm định gồm các nhà quản lý, nhà khoa học để xem xét kỹ báo cáo đánh giá tác động môi trường để trình UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, về công nghệ nuôi, heo con sau khi sinh ra 21 ngày sẽ bán nên so với các trang trại chăn nuôi heo khác thì lượng chất thải của trang trại thải ra môi trường rất ít. Còn công nghệ xử lý nước thải, công ty cam kết rất chặt chẽ, nước thải được xử lý qua 14 công đoạn, đạt tiêu chuẩn của Bộ TN&MT thì mới cho ra các bể chứa bên ngoài. Đối với phân heo, công ty cũng sẽ sử dụng các chế phẩm sinh học để vừa xử lý mùi hôi, vừa tạo thành phân vi sinh. Và hiện nay trên địa bàn tỉnh cũng chưa có trang trại chăn nuôi nào dám cam kết như vậy. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, công ty đang trong giai đoạn xây dựng; họ chỉ được sản xuất thử khi nào hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường. Đồng thời, trong thời gian vận hành thử nghiệm từ 3 đến 6 tháng thì các cơ quan, ban, ngành của tỉnh và địa phương sẽ giám sát thường xuyên, nếu đạt được tiêu chuẩn trong cam kết báo cáo đánh giá tác động môi trường thì mới cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, đi vào hoạt động chính thức.
Liên quan đến vấn đề ANTT, đại tá Đoàn Mươi, Phó Giám đốc CA tỉnh, đề nghị người dân thôn 4 bình tĩnh, sáng suốt trước vấn đề này. Lực lượng CA sẽ theo dõi chặt chẽ vụ việc, không để các đối tượng xấu lợi dụng để kích động, gây rối ANTT tại địa phương.
Kết luận buổi đối thoại, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Đỗ Văn Sỹ cho rằng những ý kiến mà người dân đã nêu ra đều là những vấn đề đáng để các ngành chức năng quan tâm. Khẳng định với người dân thôn 4 rằng Dự án trang trại chăn nuôi heo của Công ty TNHH New Hope Bình Định là dự án sạch, ông Sỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi hứa với bà con, huyện sẽ đề nghị tỉnh có văn bản cam kết về vấn đề môi trường của dự án này cho người dân. Hiện nay, công ty này cũng có một dự án tương tự tại Bình Phước, nếu dự án này hoàn thành trước sẽ dẫn bà con đi tham quan để kiểm tra. Đối với Công ty TNHH New Hope Bình Định, những vấn đề mà người dân chưa hài lòng, đề nghị công ty cho đại diện người dân vào kiểm tra thực tế công trường. Dự án này hoàn thành sẽ đóng góp rất nhiều cho phát triển KT-XH của địa phương nên người dân cần đồng thuận, tuân thủ quy định của pháp luật để dự án được triển khai”.
Trao đổi thêm với PV, ông Đỗ Văn Sỹ còn cho biết, mục đích chính của buổi đối thoại này là để thông tin kỹ, sâu hơn về dự án đến người dân. Thời gian tới, 3 tổ công tác do UBND huyện thành lập sẽ tiếp tục đến từng nhà dân vận động. Còn nếu người dân vẫn tiếp tục phản đối, UBND huyện sẽ báo cáo UBND tỉnh có hướng xử lý.
HỒNG PHÚC