Ðưa bưởi da xanh và trà Gò Loi đi xa
Chiều 16.9, UBND huyện Hoài Ân tổ chức Lễ công bố nhãn hiệu chứng nhận “Trà Gò Loi” và nhãn hiệu tập thể “Bưởi Hoài Ân”. Không chỉ độc quyền nhãn hiệu, đây còn là bước đi cần thiết để đưa sản phẩm đặc trưng của huyện Hoài Ân đi xa hơn.
Trưng bày sản phẩm bưởi và trà Gò Loi tại Lễ công bố nhãn hiệu.
Nhờ điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi và người nông dân chịu khó tìm tòi, áp dụng cách canh tác khoa học, nhiều năm qua, sản phẩm bưởi da xanh và trà Gò Loi của huyện Hoài Ân được khách hàng trong và ngoài địa phương ưa chuộng. Theo UBND huyện Hoài Ân, đến nay, diện tích cây bưởi trên địa bàn huyện trên 250 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch trên 30 ha; năng suất bình quân trên 69 tạ/ha, doanh thu trên 200 triệu đồng/năm. Hiện nay, giá bán bưởi Hoài Ân 35.000 - 40.000 đồng/kg, trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình. Trong khi đó, diện tích cây trà hiện trên 16,4 ha, diện tích cho thu hoạch trên 5,2 ha; năng suất bình quân ước đạt 72,4 tạ/ha, doanh thu hơn 434 triệu đồng/năm.
“Ðây là hai sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của huyện Hoài Ân được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu. Chúng tôi mong muốn các sở, ngành của tỉnh quan tâm, hỗ trợ địa phương ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống; quy trình canh tác, sản xuất, chế biến cho các hộ sản xuất, kinh doanh và nông dân; xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung, cũng như sản phẩm đã được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu để đưa sản phẩm đi xa hơn”.
Ông HOÀNG PHI LONG, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân
Bà Nguyễn Thị Mai Nương, Tổ trưởng Thực phẩm tươi sống siêu thị Co.opmart Quy Nhơn cho hay, mấy năm trước một vài hộ dân của Hoài Ân đã trồng và đưa bưởi da xanh vào siêu thị tiêu thụ. “Phản hồi của khách hàng về bưởi da xanh tại Hoài Ân rất tốt. Trái bưởi đẹp, bắt mắt, vị ngọt, không bị khô như một vài loại bưởi khác. Khách quen ăn, biết mùa này có bưởi Hoài Ân vào siêu thị tìm mua”, bà Nương nói.
Tương tự vậy, lâu nay sản phẩm trà Gò Loi rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Dù vậy, chiều 16.9, khi nhãn hiệu chứng nhận “Trà Gò Loi” chính thức được trao, ông Nguyễn Hữu Oanh, chủ cơ sở sao chế Trà Gò Loi, Chủ nhiệm CLB Trà Gò Loi (huyện Hoài Ân) không khỏi xúc động. “Quãng thời gian nông trường trà Gò Loi giải thể vì khó khăn, tôi và một số người tâm huyết quyết bám trụ, động viên nhau giữ cây trà. Là vì, thổ nhưỡng của quê mình rất phù hợp với cây trà mà không phải nơi nào cũng có được, tại sao không giữ gìn và phát huy. Đến giờ thì vui lắm, trà Gò Loi đã có nhãn hiệu để đi khắp nơi”, ông Oanh tâm sự.
Còn các hộ trồng bưởi da xanh tâm tình: Chúng tôi nhận thức được rằng, để được công nhận nhãn hiệu cho sản phẩm rất khó, nhưng phát triển thành thương hiệu càng khó khăn bội phần. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đầu tư đúng quy trình kỹ thuật, làm ra sản phẩm có chất lượng ngày càng cao.
Bưởi da xanh và trà Gò Loi là hai trong nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng địa phương được huyện Hoài Ân xúc tiến mạnh công tác xây dựng nhãn hiệu để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Huyện cũng đã triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và thực hiện dự án hỗ trợ cho người dân phát triển một số cây trồng có thế mạnh tại địa phương.
Nhiều hộ trồng bưởi ở Hoài Ân đã thực hiện quy trình chăm sóc cây bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP.
- Trong ảnh: Ông Võ Đông Sơ (thị trấn Tăng Bạt Hổ) chăm sóc vườn bưởi da xanh.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hoài Ân cho biết, thời gian tới huyện đẩy mạnh việc mở rộng diện tích quy hoạch phát triển vùng trồng cho sản phẩm trà Gò Loi và bưởi da xanh. Trong đó, phát triển diện tích trồng bưởi da xanh tại 10 xã với 849,8 ha theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Với trà Gò Loi, đến năm 2020 sẽ xây dựng các vùng sản xuất trà theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô 20 ha tại xã Ân Tường Tây; giai đoạn 2021 - 2030 duy trì và mở rộng vùng sản xuất lên 42,5 ha.
Còn ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Ân thông tin, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức chuyển giao, áp dụng tiến bộ KHKT, thực hiện quy trình sản xuất VietGAP; xây dựng chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, chú trọng công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
NGỌC TÚ