Ế ẩm cau An Lão
Các xã An Dũng, An Vinh, An Trung, An Hòa... là những địa bàn có diện tích cau trồng nhiều nhất. Mấy năm trước đây, giá cau tươi dao động 10.000 - 15.000 đồng/kg; đặc biệt năm 2018 giá cau vọt lên 22.000 - 25.000 đồng/kg. Thế nhưng, năm nay giá cau tươi “tụt” thê thảm chỉ còn 2.000 - 4.000 đồng/kg.
Giá cau tươi rớt thê thảm, nhiều hộ gia đình chẳng buồn thu hoạch.
Ông Đặng Bê (thôn Long Hòa, An Hòa), cho biết: “Gia đình tôi trồng khoảng 300 cây cau, mỗi năm thu hoạch chục triệu là chuyện bình thường. Năm nay, cau rớt giá, tiền bán cau thu về không đủ trả công thuê mướn người hái, đành cứ để chín rụng”.
Thời cây cau có giá, thương lái địa phương vào tận nhà đặt tiền cọc để thu mua, rồi đua nhau mở lò sấy cau để xuất bán đi Trung Quốc. Ở xã An Hòa, An Tân, nhiều lò sấy cau có thể sơ chế vài tấn cau tươi/ngày. Nhưng giờ, nhiều lò sấy cau đóng cửa, hoặc hoạt động cầm chừng.
“Khóc đứng, khóc ngồi mấy nay, liên tục gọi điện thoại đi khắp nơi tìm mối hàng tiêu thụ cau khô mà vẫn không được. Căn nhà 2 gian rộng chừng hơn 150 m2 của gia đình tôi giờ thành kho chứa, 15 tấn cau khô chưa biết khi nào xuất được”, bà Nguyễn Thị Cúc (thôn Long Hòa, An Hòa) - một trong những lò sấy cau lớn nhất huyện An Lão chia sẻ.
Một thời cây cau “lên ngôi” lôi cuốn sự tham gia không chỉ người trồng mà cả người mua, bán, chế biến xuất khẩu. Theo phòng NN&PTNT huyện An Lão, năm 2018 cả huyện xuất bán khoảng 1.000 tấn cau, thu về hơn 7 tỷ đồng. Còn năm nay, cau tươi bán chẳng ai mua, nhưng người dân vẫn phải bỏ công, tiền của thuê người thu hoạch để dọn vườn, hy vọng mùa sau...
D.T.D